Trách nhiệm các bên ra sao trong vụ 'tranh cãi trên cao tốc dẫn đến tai nạn thảm khốc'?

'Trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của hai tài xế trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của người điều khiển xe 7 chỗ', luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 11/7, trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng làm 2 người chết, 10 người bị thương cơ quan chức năng đã thông tin nguyên nhân ban đầu vụ việc.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tai nạn xảy ra liên hoàn giữa ba xe: Xe khách 16 chỗ biển kiểm soát 15F-006.78, xe ô tô con biển kiểm soát 30K-757.00 và xe ô tô bán tải biển kiểm soát 38C-195.83.

Hiện trường vụ tai nạn (ảnh: Hoài Anh)

Hiện trường vụ tai nạn (ảnh: Hoài Anh)

Xe bán tải BKS 38C-195.83 do anh Đặng Quốc Hoàng (SN 1983, trú tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) điều khiển, trên xe còn có 2 người: Trịnh Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Lê Ngọc Hùng (SN 1988, trú tại Thanh Chương, Nghệ An).

Xe ô tô 16 chỗ BKS 15F-006.78 do Quách Văn Lâm (SN 1989, trú tại Tân Lạc, Hòa Bình) điều khiển, trên xe chở theo 10 người.

Xe ô tô BKS 30K-757.00 do Trần Ngọc Thế (trú tại Hưng Hà, Thái Bình) điều khiển, chở theo Lâm Quốc Hiếu (SN 1987, trú tại Đông Anh, Hà Nội).

Vụ tai nạn khiến Trịnh Tuấn Anh (xe 38C-195.83) và Quách Văn Lâm (xe 16 chỗ 15F-006.78) chết tại hiện trường; 10 người được đưa đi bệnh viện để kiểm tra. Cả 3 xe hư hỏng nặng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật, xe 16 chỗ 15F-006.78 va chạm vào phía sau (va chạm nhẹ). Sau đó, anh Lâm, Tuấn Anh, Hùng đứng lại tranh luận trước đầu xe 15F- 006.78 thì xe ô tô 30K-757.00 từ phía sau đâm vào xe 16 chỗ dẫn đến tai nạn thương tâm.

Sau khi vụ việc xảy ra, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc này cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 tài xế trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của người điều khiển xe 7 chỗ.

Cụ thể, đối với hành vi dừng xe trên đường cao tốc của 2 xe ô tô (xe khách 16 chỗ và xe bán tải), hai xe có va chạm và dừng tại làn 1 (làn ngoài cùng bên trái đường cao tốc - làn cho phép xe chạy tốc độ 120 km/h). Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: "Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường".

Như vậy, trường hợp này, không thể đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy vì cần giữ nguyên hiện trường va chạm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đối với người điều khiển ô tô 7 chỗ đâm vào phía sau xe 16 chỗ (đang dừng), luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, có dấu hiệu thiếu chú ý quan sát khi tham gia giao thông. Theo quy định của pháp luật thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước. Nếu phát hiện chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại hoặc đánh lái để tránh va chạm.

Dù vậy, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của các bên, vẫn cần chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm, luật gia Trần Quốc Tuấn (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm của các lái xe đã dừng xe trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, luật gia Trần Quốc Tuấn cho rằng, trong vụ việc này việc va chạm giữa xe khách 16 chỗ và xe bán tải là rất nhẹ. Vì thế, hai bên không nhất thiết phải dừng xe "tranh cãi" đúng sai trên làn 1 (làn 120km) bởi rất nguy hiểm. Thay vào đó, các bên có thể đánh xe đi hoặc đánh xe vào làn khẩn cấp để giải quyết va chạm. Trường hợp buộc phải dừng tại làn 1 để giữ nguyên hiện trường thì phải bật đèn cảnh báo cũng như đặt vật cảnh báo theo quy định.

"Việc dừng xe tranh cãi tại làn 1 có nguy cơ tai nạn rất cao, bởi hầu hết các xe đang di chuyển tại làn này có tốc độ rất cao và thực tế tai nạn đã xảy ra. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định", luật gia Trần Quốc Tuấn nêu quan điểm.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn tính mạng, khi có xảy ra va chạm hoặc tai nạn, việc đầu tiên các tài xế cần bật đèn cảnh báo, đặt biển cảnh báo ở khoảng cách phù hợp với hiện trường tai nạn. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra như vụ việc trên.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trach-nhiem-cac-ben-ra-sao-trong-vu-tranh-cai-tren-cao-toc-dan-den-tai-nan-tham-khoc-post1654175.tpo