Trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc
*Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Hữu Trung, trú TP Quy Nhơn (Bình Định), hỏi: Tôi là chủ một công ty (Cty) TNHH MTV, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng.
*Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Hữu Trung, trú TP Quy Nhơn (Bình Định), hỏi: Tôi là chủ một công ty (Cty) TNHH MTV, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Tháng 12-2019, tôi đã bán 100% phần vốn trong Cty cho ông Bá. Hiện tại, Cty đang tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với người lao động (NLĐ) để ký lại HĐLĐ có thời hạn. Theo đó, ông Bá yêu cầu tôi chịu trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho những NLĐ có thời gian làm việc cho Cty trước năm 2019. Thiết nghĩ, yêu cầu này của ông Bá là không phù hợp. Tuy nhiên, tôi không hiểu rõ pháp luật quy định về vấn đề này thế nào. Vì vậy, tôi muốn biết: một là, Cty có quyền chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ để ký lại HĐLĐ mới có thời hạn hay không; hai là, trong trường hợp phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ trong trường hợp này thì trách nhiệm thuộc về ai?
*Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, trả lời: Để đi vào trọng tâm vấn đề thứ nhất mà ông Trung quan tâm, trước hết chúng ta cần hiểu rõ điểm khác nhau đặc thù trong quan hệ hợp đồng dân sự và HĐLĐ. Trong quan hệ dân sự, việc các bên thỏa thuận về thời hạn hợp đồng, gia hạn hợp đồng và chấm dứt hợp đồng để ký lại hợp đồng mới hầu như không bị hạn chế. Tuy nhiên, theo pháp luật lao động, nếu thỏa thuận trái với quy định thì thỏa thuận đó không có giá trị và sẽ phải áp dụng theo pháp luật. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có thể bị xử phạt hành chính. Theo Điều 22 Bộ luật Lao động 2012, khi HĐLĐ hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ dưới 12 tháng sẽ chuyển thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng, HĐLĐ có thời hạn từ 12 đến 36 tháng sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngoài ra, theo Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì, thời hạn HĐLĐ chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục HĐLĐ và không được làm thay đổi loại HĐLĐ đã giao kết. Như vậy, có thể kết luận rằng, việc Cty chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn (cho dù là có sự đồng ý của NLĐ) để ký lại HĐLĐ xác định thời hạn là trái với quy định của pháp luật lao động. Về câu hỏi thứ hai, chúng ta xem xét vấn đề trên nguyên tắc cơ bản của quan hệ chuyển nhượng vốn góp. Nghĩa là, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến bên thứ 3 phát sinh sau thời điểm chuyển nhượng không thuộc về bên chuyển nhượng. Vì vậy, nếu ông Trung không thỏa thuận với ông Bá về nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ chấm dứt HĐLĐ với Cty sau thời điểm chuyển nhượng vốn thì ông Trung không có nghĩa vụ phải thực hiện.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_222486_trach-nhiem-chi-tra-tro-cap-thoi-viec.aspx