Trách nhiệm, chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình và tương lai của đất nước

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức Lễ Mít tinh Hướng ứng Ngày Tránh thai Thế giới.

Tham dự có ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam; Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Đại diện các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao các nước; Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình tại Hà Nội.

Mục đích của Ngày Tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe sinh sản.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại buổi mít tinh.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại buổi mít tinh.

Với chủ đề "Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước", ngày Tránh thai Thế giới năm nay nhấn mạnh về vai trò quan trọng của sức khỏe tình dục và sinh sản trong cuộc sống cá nhân và sự tiến bộ của quốc gia. Đồng thời cung cấp dịch vụ y tế, sản phẩm bảo vệ sức khỏe sinh sản và trao quyền cho giới trẻ với kiến thức và nguồn lực để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, tự tin về sức khỏe tình dục và sinh sản của mình, bao gồm cả việc lựa chọn thời điểm và số lượng con cái mà họ mong muốn.

Phát biểu tại buổi mít tinh, ThS.BS Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: “Việc được tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản là rất quan trọng đối với sức khỏe của phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới, giúp ngăn ngừa tử vong mẹ cũng như là giảm mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời việc chủ động phòng tránh thai sẽ chủ động trong việc sinh con, thời gian sinh, khoảng cách sinh và số con, đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng; Tránh được những tai biến sản khoa, nhất là ở trẻ vị thành niên và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Nâng cao chất lượng cuộc sống, không sinh quá nhiều con để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình…”.

Toàn cảnh buổi mít tinh.

Toàn cảnh buổi mít tinh.

Cũng tại buổi mít tinh, PGS.TS Phạm Bá Nhất, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết: “Kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại Châu Âu những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.”.

Tại buổi lễ, ông Rodrigo Portugues, Giám đốc Quốc gia của DKT Việt Nam chia sẻ: “Ngày Tránh thai Thế giới không chỉ là dịp nâng cao nhận thức về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đây còn là ngày để chúng ta tái khẳng định sự tận tâm trong việc trao quyền cho cá nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên những kiến thức, quyền tiếp cận và sự hỗ trợ cần thiết để họ có thể đưa ra các quyết định đúng đắn về tương lai của mình.

Chúng tôi rất hân hạnh được có cơ hội đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức tại cộng đồng và khối tư nhân trong suốt 30 năm qua. Hành trình của chúng tôi là một hành trình của sự hợp tác, phát triển và tác động thay đổi cuộc sống và giúp cá nhân kiểm soát sức khỏe sinh sản của họ”.

Phát biểu và chỉ đạo tại buổi lễ, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan: Tiếp tục quan tâm, tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 21- NQ/TW của Đảng và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên đồng thời ưu tiên đẩy mạnh các đợt chiến dịch truyền thông cao điểm lồng ghép với cung cấp dịch vụ về dân số, sức khỏe sinh sản thân thiện cho vị thành niên, thanh niên; Đảm bảo mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được tiếp cận thông tin và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thuận tiện, an toàn và có chất lượng; Triển khai các hoạt động giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên phù hợp với từng lứa tuổi; đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Đối với cơ quan dân số các cấp cần nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, hoàn thành mục tiêu các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 theo Quyết định số 1848/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) khoảng 25 triệu người, dự báo số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Mặc dù chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần quan tâm.

Báo cáo kết quả điều tra các mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho biết: Tổng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình không giảm mà tiếp tục tăng cao, từ 6,1% (năm 2014) lên 10,2% (năm 2021) ở nhóm phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung, đặc biệt tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng lên tới 40,7%. Tỉ suất sinh con ở vị thành niên (từ 15-19 tuổi) vẫn còn cao, trên toàn quốc là 42 trẻ sinh ra sống/1000 phụ nữ, cao nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (115) và Tây Nguyên (76), nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số 3.

Việt Nga

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/trach-nhiem-chu-dong-tranh-thai-vi-hanh-phuc-cua-chinh-minh-va-tuong-lai-cua-dat-nuoc-d5295.html