Trách nhiệm công vụ và những người phải đứng sang một bên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần 'ai không làm thì đứng sang một bên'.
LTS: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công tác đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của một đảng cầm quyền. Trong bối cảnh mới với nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách cần phải tập trung giải quyết, để bảo đảm cho Đảng tiếp tục giữ vững và làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, tư tưởng nhất quán của Đảng là không chỉ chú trọng xây dựng, chỉnh đốn mà còn phải gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trách nhiệm chính trị của đảng viên.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết về nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhìn từ trách nhiệm chính trị của đảng viên.
Phát huy kết quả và bài học kinh nghiệm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ các nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 13 xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ là mối quan tâm, mà đã thực sự mang tính thôi thúc từ nhận thức đến hành động.
Không phải ngẫu nhiên mà tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, chỉ trong một ngày rưỡi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đã dành tâm huyết để nói về tình trạng thời gian gần đây, nhiều cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, lơ là công vụ, khiến bộ máy công quyền hoạt động ì ạch, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của đất nước, gây nhiều hệ lụy cho đời sống nhân dân.
Những người quan tâm đến tình hình thời sự chính trị đất nước dường như đã bị cuốn hút trước hình ảnh những tấm biển tranh luận của đại biểu liên tục giơ lên tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa rồi, bày tỏ thái độ bức xúc, lo lắng trước tình trạng thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, né tránh trách nhiệm, không dám làm. Đồng thời cho rằng, chuyện lơ là trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong bộ máy công quyền cũng là một kiểu suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”cần được ngăn chặn kịp thời.
Từ “tranh luận nảy lửa” ở nghị trường
Có lẽ chưa bao giờ tinh thần làm việc của cán bộ, công chức lại được Quốc hội quan tâm nhiều như tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Việc nhiều đại biểu nêu vấn đề ra trước nghị trường để phân tích, mổ xẻ và bày tỏ thái độ có phần gay gắt cho thấy, Quốc hội muốn gửi đi thông điệp, nếu căn bệnh này không được chấn chỉnh, điều trị kịp thời, một khi thành bệnh mãn tính của bộ máy công quyền, nó sẽ là lực cản phát triển của đất nước.
Vì vậy, dư luận tỏ ra rất đồng tình với cách mà báo chí miêu tả không khí tranh luận tại Quốc hội bằng những cụm từ như "tranh luận nảy lửa", "làm nóng nghị trường”… Dù là được các đại biểu nêu lên bằng những mệnh lệnh từ mạnh mẽ, biểu thị thái độ cương quyết, hay bóng bẩy, nhẹ nhàng qua một câu thơ lục bát thì chuyện "bên trong cán bộ sợ sai; bên ngoài dân chúng thở dài lo âu" cũng là một thực trạng đã đến hồi báo động, cần ngăn chặn kịp thời.
Trong khi kinh tế tăng trưởng không đạt như kỳ vọng; việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ ở nhiều nơi, người dân và doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thì có những cơ quan quản lý cả ở địa phương và trung ương đã phát hành văn bản "hỏi - đáp" lòng vòng… Đó là dẫn chứng tiêu biểu cho tình trạng cán bộ "cắn bút nhìn nhau" thời gian gần đây.
Thái độ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa" trở thành phương châm hành động của không ít cán bộ, công chức, được nêu lên công khai trước Quốc hội. Ở góc độ nào đó, thì đây có lẽ là lời nói xuất phát từ thực tế suy nghĩ của người trong cuộc, khi không đủ tự tin để thực thi công việc vì xung quanh mình có những lãnh đạo, đồng nghiệp vừa được tuyên dương, khen thưởng, được ca ngợi, thì không lâu sau đó đã bị khởi tố, bắt giam; hoặc là thái độ né tránh công việc khi mà cấp trên không làm gương, chỉ đạo xiên xẹo khiến họ khó xử.
Nhưng, dù bất cứ lý do gì thì giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" cần tháo gỡ khó khăn, cần phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng… mà cán bộ, công chức lại "né tránh, ngồi yên" là không thể chấp nhận được. Nhận trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; nhận lương từ ngân khố quốc gia, từ tiền thuế của dân mà lại không thực hiện chức trách của mình để phục vụ nhân dân thì những công chức ấy còn tư cách gì để phục vụ trong hệ thống chính trị!
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn - đoàn Trà Vinh, "tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm đã lan rộng từ trung ương đến địa phương, từ khu vực công sang khu vực tư". Còn đại biểu Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum thì cho rằng: "Nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào hay tinh thần tự cởi trói trước đổi mới đã không còn".
Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Trí - đoàn Khánh Hòa nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của vấn đề: "Sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước làm cho doanh nghiệp và người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".
Những người phải “đứng sang một bên”
Chúng ta đều hiểu rằng, những người bị khởi tố, bị bắt giam, không ai là vô can! Nhất là những bị can trong các vụ án như chuyến bay giải cứu, Việt Á, AIC… hay những vụ tham nhũng liên quan đến đất đai, khoáng sản ở Bình Dương, Bình Thuận, Lào Cai…
Thực tế cũng cho thấy, không ai đi tù vì vô tình sai phạm. Nếu không tham lam, mắt thấy tiền là sáng lên, thì họ đã không cậy thế cậy quyền, ký bừa ký ẩu; không chỉ đạo ép chỗ nọ, lệnh chỗ kia làm trái nguyên tắc hòng có lợi cho cá nhân cũng như phe nhóm, sân sau của mình.
Cho nên, nói "cuộc chiến chống tham nhũng làm cho bộ máy công quyền chùng xuống, công chức sợ không dám làm", chỉ là cách nói của những kẻ "có tật giật mình", hoặc chí ít thì cũng là những người thụ động, lười nhác, ngại khó khăn, thích an phận mà thôi!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần "ai không làm thì đứng sang một bên".
Thông điệp này nhấn mạnh đến tính tiên phong, gương mẫu “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong bộ máy công quyền. Không như thế, họ chỉ là những tảng đá ngáng đường, cản trở người tốt, người tài không có cơ hội thể hiện năng lực và cống hiến cho nước cho dân.
Tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm xuất hiện từ lâu, nhưng gần đây đã nặng hơn, phức tạp hơn. Vì vậy, tinh thần "xử lý nghiêm, không có vùng cấm" trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thiết nghĩ cũng cần được áp dụng với cả những cán bộ, công chức lười nhác, lơ là chức phận, không để họ cứ làng nhàng "sáng vác ô đi, tối vác về", như đề xuất của một số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Vì sao cán bộ có tâm lý ‘ba không’?Gần đây hiện tượng cán bộ “ba không” - không nói, không tham mưu và không làm - có chiều hướng lan rộng rất đáng lo ngại. Làm gì để đảo ngược tinh thần đó?
Thận trọng để tránh sai sót là cần thiết. Nhưng sợ đến mức trù trừ, không dám làm gì, để cơ hội vuột khỏi tầm tay, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương đang đói vốn, đang cần tiền để triển khai các chương trình, dự án có thể giúp kinh tế - xã hội phát triển, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đời sống người dân được cải thiện hơn, thì đó lại là một sự "thận trọng có vấn đề". Bởi, một khi đã sợ trách nhiệm thì ít ai dám quyết đáp, dám nghĩ, dám làm.
Tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ trương ấy được ví như “luồng gió mới” tạo niềm tin, khát vọng, là động lực quan trọng để cán bộ phấn đấu, cống hiến cho đất nước.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trước Quốc hội cũng cho biết đang khẩn trương xúc tiến việc trình Chính phủ Nghị định về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám hy sinh vì lợi ích chung”.
Thiết nghĩ lúc này, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để công phá vào tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, không để lây lan trong đội ngũ, chính là rà soát và đưa những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không làm "đứng sang một bên".
Đây cũng là cơ sở, là động lực để nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích của dân của nước lên trước hết, trên hết; là cách để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người đứng đầu cơ quan đơn vị, dám nghĩ, dám làm, tạo nên những đột phá trong quá trình thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kì tới: Trách nhiệm chính trị của đảng viên và những lá đơn từ chức của cán bộ lãnh đạo