Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Bạn đọc Trần Văn Thể ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 181, Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
2. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.
3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến tòa án để giải quyết.
* Bạn đọc Vương Thị Vân ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, hỏi: Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong tố tụng dân sự được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 501, Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH ngày 29-12-2022 do Văn phòng Quốc hội ban hành về Bộ luật Tố tụng Dân sự. Cụ thể như sau:
1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại;
b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong tố tụng của mình.
2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.