Trách nhiệm của người lớn

ĐBP - UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội; các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Công điện số 01, ngày 4/4/2022 của Ủy ban quốc gia về trẻ em về việc 'Tăng cường công tác phòng chống tai nạn, thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em'.

Đây là động thái cần thiết, kịp thời của cơ quan có thẩm quyền đối với sự an toàn của trẻ em cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Tai nạn thương tích ở trẻ có nhiều dạng: Ngã, bỏng, nuốt dị vật, tai nạn giao thông, đuối nước… và đều để lại những hệ lụy lớn về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích thông thường do thiếu sự giám sát của cha mẹ, người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ không an toàn… Trong khi trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, chưa có kiến thức phòng tránh.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận khoảng 2.000 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó trên 70 trường hợp tử vong. Tỉnh ta có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số; trên 85% dân số ở khu vực nông thôn. Đối với khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số thì còn nguyên nhân do cuộc sống khó khăn, bố mẹ của trẻ phải lo kiếm cái ăn, không có điều kiện chăm sóc con cái; nhiều trẻ tự ăn, tự ngủ, tự chơi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích.

Điều đáng bàn là công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em không phải không được quan tâm, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng hàng năm đều có những chỉ đạo, triển khai thực hiện. Thế nhưng hiệu quả thì chưa như kỳ vọng.

Có thể thấy rằng các hoạt động trọng tâm trong thời gian qua mới tập trung về tuyên truyền lồng ghép các nguyên nhân, nguy cơ, hậu quả, cách phòng tránh… Nhưng các hoạt động thực tế như: Tập huấn kỹ năng, tập huấn sơ cứu, xây dựng cộng đồng an toàn, dạy bơi… còn hạn chế. Đơn cử như tai nạn đuối nước, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra các vụ đuối nước làm chết người, chủ yếu là trẻ em. Cuối tháng 3 vừa qua, tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã xảy ra một vụ đuối nước làm 3 em nhỏ tử vong. Đáng nói là cũng tại địa bàn xã Mường Luân, vào tháng 3/2021 đã xảy ra vụ đuối nước làm 2 học sinh nữ tử vong.

Suy cho cùng, xảy ra tai nạn thương tích trẻ em là do sự bất cẩn của người lớn. Bởi người lớn (phụ huynh, người chăm sóc, trường học, cộng đồng…) bất cẩn trong chăm sóc, quản lý trẻ thì ở môi trường nào trẻ vẫn có thể có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Công tác phòng chống tai nạn thương tích cần những hoạt động cụ thể, thiết thực hơn. Cùng với truyền thông, nâng cao nhận thức về tai nạn thương tích, cách phòng tránh, cần cung cấp và tập huấn cho phụ huynh, người dân, cộng đồng kiến thức sơ cứu cơ bản. Bởi thực tế nhiều trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ được sơ cứu từ đầu đúng cách đã thoát nguy hiểm, phục hồi rất tốt. Ngược lại sẽ dẫn đến quá trình điều trị rất khó khăn, phức tạp, khó hồi phục.

Trong văn bản mới ban hành, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo rất rõ: Cùng với công tác truyền thông nâng cao nhận thức, quan tâm bố trí ngân sách địa phương và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục thể thao, phổ cập bơi an toàn cho trẻ em… Đặc biệt là “Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đuối nước”.

Một kỳ nghỉ hè đang đến gần - khoảng thời gian mà nguy cơ tai nạn thương tích thường có chiều hướng gia tăng, song kỳ vọng rằng trẻ em sẽ có một mùa hè vui chơi an toàn, bổ ích.

Duy Bình

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/195826/trach-nhiem-cua-nguoi-lon