Trách nhiệm cung cấp thông tin báo chí?

Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận được một số câu hỏi từ bạn đọc liên quan đến nội dung: Ai có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí? Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí có bị phạt tiền?

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khoản 1 Điều 38 - Luật Báo chí 2016 quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí như sau:

Cung cấp thông tin cho báo chí

1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”.

Như vậy, theo quy định, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Cũng theo quy định tại điều này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

- Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

- Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 9 - Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về việc vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân;

b) Không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí;

c) Thực hiện không đúng quy định về thời hạn thông báo hoặc thời hạn đăng, phát, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc có yêu cầu.”

Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 4 - Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt như sau:

“2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Như vậy, theo các quy định trên thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Theo Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/trach-nhiem-cung-cap-thong-tin-bao-chi-post386987.html