Trách nhiệm doanh nghiệp - trách nhiệm cộng đồng

Kinh doanh, không thể không tính chuyện lời lãi, song doanh nghiệp không thể đứng ngoài cộng đồng. Hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và xã hội chính là sự bảo đảm cho phát triển bền vững.

Ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam… đã hạ giá lợn xuất chuồng xuống dưới 75.000 đồng/kg. Động thái này bước đầu là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, giá bán như vậy vẫn còn một khoảng cách khá xa so với chỉ đạo của Chính phủ cũng như mong muốn của người tiêu dùng là giảm giá thịt lợn về mức bình thường như trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, trong bối cảnh chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao như hiện nay, giá thành lợn hơi bình quân cao nhất cũng chỉ ở mức 40.000 đồng/kg. Như vậy, với giá bán tăng cao từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và ngay cả với giá bán hiện tại, các doanh nghiệp đã có lãi lớn.

Thực tế cũng cho thấy, trong câu chuyện giá thịt lợn tăng cao thời gian vừa qua đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường, như nhận định của giới chuyên gia là "nghịch lý thị trường". Và theo luật định, khi giá cả tăng một cách vô lý, gây khó khăn cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường phải vào cuộc.

Thời điểm này là lúc các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi cần thể hiện trách nhiệm của mình với ngành Nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nói rõ hơn, giảm giá thịt lợn về mức trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi là việc cần làm và phải làm để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, kể cả doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cần chia sẻ trách nhiệm này vì sự phát triển ổn định của đất nước, cũng là vì lợi ích của mỗi doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, nếu kinh tế vĩ mô bất ổn, doanh nghiệp cũng bị cuốn vào vòng xoáy với những hệ lụy khó đo đếm.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi cần thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Nói cách khác cũng là việc giải bài toán hài hòa lợi ích. Nếu mặt bằng giá tiếp tục cao hơn khả năng chi trả, chắc chắn người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn khác. Lúc đó doanh nghiệp không chỉ tự đánh mất chính mình trong mắt các “thượng đế” mà còn tạo điều kiện cho thực phẩm ngoại tràn vào thị trường… Thêm nữa, duy trì mức giá cao khi dịch bệnh xảy ra, hơn ai hết doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phải đối mặt với không ít hệ lụy. Do vậy, họ cần đồng hành cùng ngành Nông nghiệp vì lợi ích của chính mình và vì một thị trường sản xuất, kinh doanh bền vững.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, doanh nghiệp cần chia sẻ với ngành Nông nghiệp và người dân trong việc giảm giá thịt lợn. Việc này không chỉ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một thị trường sản xuất kinh doanh sản phẩm chăn nuôi bền vững mà còn bảo đảm lợi ích lâu dài cho chính doanh nghiệp. Mặt khác, cũng phải nhấn mạnh, với những doanh nghiệp "đứng ngoài cộng đồng" có biểu hiện “lợi ích nhóm”, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm vận hành một thị trường minh bạch, ổn định.

Bên cạnh đó, với các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, ngành Nông nghiệp cũng cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để tái đàn, sớm tăng nguồn cung sản phẩm thịt lợn cho thị trường.

Hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và xã hội là nền tảng của sự phát triển bền vững. Thay vì những lợi ích trước mắt, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cần nghĩ đến một tương lai xa hơn và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, với xã hội bằng những hành động cụ thể, thiết thực...

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/958974/trach-nhiem-doanh-nghiep---trach-nhiem-cong-dong