Trách nhiệm hay a dua?

Có lẽ chưa bao giờ các quan điểm cá nhân lại được bày tỏ một cách dễ dàng như hiện nay. Sự xuất hiện các trang mạng xã hội gần như đã biến mỗi cá nhân có thể trở thành... chính trị gia, nhà báo, bác sĩ, chuyên gia tâm lý-giáo dục, nhà đạo đức học… chỉ sau 1 thao tác click chuột. Quả thật, những người có chuyên môn chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó đã cung cấp cho cộng đồng không ít kiến thức, kinh nghiệm bổ ích.

Nhưng bên cạnh đó, phần đông là những “anh hùng bàn phím”, té nước theo mưa, a dua để góp phần tạo nên những làn sóng dư luận chẳng mấy có giá trị.

Cứ vài ngày, tôi lại thấy mạng xã hội rộ lên một sự việc, một vấn đề, một hình ảnh nào đó gây sự chú ý. Ngay lập tức, chúng được các “cư dân mạng” chia sẻ và lan truyền, không cần quan tâm những gì mình chia sẻ đó có bản chất như nào. Rồi cũng như khi xuất hiện, những sự việc ấy nhanh chóng biến mất và bị lãng quên ngay khi có một sự việc khác thay thế.

Có lẽ nhiều người vẫn nhớ sự việc cách đây chưa lâu, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, một em học sinh đã làm bài môn Ngữ văn dài 21 trang giấy thi. Nhiều người tỏ ý khâm phục và ngưỡng mộ vì chỉ trong 120 phút, thực hiện nhiều yêu cầu khác nhau của đề thi, mà học sinh đó có thể viết được bài văn dài như vậy.

Nhưng cũng không ít người dùng những lời lẽ dè bỉu, chê bai, thậm chí xúc phạm đến em. Họ cho rằng, viết như vậy chẳng khác nào một cái máy, lời văn chắc là hết sức vô cảm và sáo rỗng, bởi cứ cắm đầu viết mà không kịp… nghĩ. Trong số những người tham gia công kích em học sinh kia có cả những bậc cao niên và những người có học hàm học vị cao trong xã hội. Vấn đề là những người phát ngôn ấy chưa được đọc bài văn của em.

Hay như sự việc vẫn đang còn khá mới mẻ, đó là một hoa hậu mới đăng quang, có những phát ngôn không khéo léo, dẫn đến việc cộng đồng mạng lập hội tẩy chay, có những lời lẽ đả kích rất nặng nề, thậm chí còn lên tiếng đòi Ban tổ chức tước vương miện đối với cô. Một sự việc khác không kém phần xôn xao là trong kỳ xét tuyển đại học năm 2023, có đến 2 thủ khoa khối A00 toàn quốc bị trượt nguyện vọng 1 khi đăng ký vào ngành khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tôi không bàn đến quy chế xét tuyển của nhà trường, chỉ xin được nói đến cách ứng xử trước sự việc. Nhiều chuyên gia giáo dục đã ngay lập tức có những bài viết, video phân tích nguyên nhân sự việc. Ngay cả VTV cũng có những thông tin rất kịp thời để định hướng dư luận vào thời điểm đó. Một trong 2 thí sinh và gia đình đã trả lời phỏng vấn của VTV với thái độ khá bình thản. Họ chỉ bày tỏ rằng có một chút tiếc nuối và hy vọng sẽ được xét nguyện vọng 2.

Thế nhưng, mạng xã hội lại như một cơn “lên đồng tập thể”, chỗ nào cũng thấy các cá nhân đăng tải ý kiến đề nghị thế nọ, kiến nghị chỗ kia. Mỗi người đều ra sức bày tỏ quan điểm cá nhân, như thể sau ý kiến của họ, các cơ quan chức năng sẽ phải thay đổi ngay các quyết định được ban hành trước đó.

Tết Trung thu vừa trôi qua được vài ngày. Trước đó, dân tình lại đua nhau lôi những hình ảnh, video có nội dung tiêu cực, phản cảm, liên quan đến việc tổ chức Trung thu, có khi hình ảnh và video từ năm nảo năm nào cũng được lấy lại để đăng lên các trang cá nhân. Đa phần có lẽ chỉ để giải trí, mua vui, nhưng cũng có một số cho rằng làm như vậy là cách thể hiện quan điểm, là có trách nhiệm với xã hội, khi mang những thứ tiêu cực ra phê phán.

Chỉ có điều, bên cạnh những người có chuyên môn, phân tích để mọi người nhìn nhận vấn đề thật toàn diện, cặn kẽ (số này thường rất ít) thì số còn lại thấy thiên hạ nói, mình cũng nói, cho có, như thể nếu không tham gia, mình sẽ trở thành kẻ lỗi thời. Lạ là những việc tốt thì không mấy được chia sẻ, nhưng việc xấu, việc tiêu cực lại được lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Thậm chí nhiều người bị cơ quan chức năng phạt tiền vì đăng nội dung sai sự thật, ảnh hưởng xấu, nhưng tình hình có vẻ như cũng không mấy được cải thiện.

Thể hiện trách nhiệm đối với xã hội là việc rất nên làm. Nhất là trong hoàn cảnh mà số đông có tư tưởng né tránh, sợ liên lụy, ngại phiền đến bản thân… thì những người lên tiếng đúng lúc, đúng chỗ là những người thực sự thể hiện được ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng, đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc làm có trách nhiệm và hành động a dua nhiều khi khó rạch ròi. Thiết nghĩ, mỗi người nên tiếp nhận thông tin một cách thật tỉnh táo, đừng biến mình thành kẻ phát ngôn với những thông tin vô bổ, thậm chí sai lệch, thể hiện sự kém hiểu biết. Như thế, sẽ biến mình thành nô lệ của mạng xã hội và tự hạ thấp giá trị của chính mình.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/trach-nhiem-hay-a-dua-post251313.html