Vấn đề trẻ em đuối nước, bị xâm hại 'nóng' tại phiên chất vấn ở Bình Phước

Số lượng trẻ em ở Bình Phước bị đuối nước, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục gia tăng đang khiến cho người dân vô cùng lo lắng. Đây là vấn đề nóng được cử tri và đại biểu quan tâm chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X diễn ra vào ngày hôm nay (4/7).

Báo động đỏ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 32 vụ trẻ em bị đuối nước; 94 vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó đáng lo ngại là 75% các vụ xâm hại là xâm hại tình dục. Những con số này gióng lên "hồi chuông" cảnh báo về sự an toàn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, gây hoang mang, lo lắng cho dư luận và để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý, thể chất cho các nạn nhân.

Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, các đại biểu đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ từ nhiều phía để bảo vệ trẻ em.

Về trách nhiệm, các đại biểu cho rằng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định cụ thể về chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em.

Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền, địa phương trong việc để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương có giải pháp để can thiệp kịp thời vào các vụ việc xâm hại trẻ em; đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tan học, đặc biệt là con em công nhân, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh: “Những trường hợp đuối nước, hay xâm hại tình dục chủ yếu xảy ra sau giờ các cháu đi học về chúng ta không quản lí được, không đưa vào các nhóm sinh hoạt. Trong thời gian tới, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghĩ đến giải pháp, hay phối hợp với ngành giáo dục để tạo điều kiện cho công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số có thể gửi con khi cha mẹ chưa về”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nhã đặt vấn đề tại buổi chất vấn. Ảnh: BP

Nhiều giải pháp để kéo giảm

Trước những chất vấn của đại biểu HĐND, ông Phùng Hiệp Quốc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã trình bày nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước và xâm hại trên địa bàn.

Đối với việc trẻ bị đuối nước do thiếu sự giám sát của người lớn, kỹ năng bơi yếu hoặc không biết bơi, môi trường sống nguy hiểm (ao hồ, sông suối không rào chắn, biển báo cảnh báo); công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước chưa hiệu quả.

Trẻ em bị xâm hại do sự lơ là quản lý, giáo dục của gia đình và cộng đồng. Bản thân trẻ thiếu nhận thức về xâm hại, tò mò về giới tính, thiếu kỹ năng phòng ngừa và tố giác, sự tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Ông Phùng Hiệp Quốc nhấn mạnh, việc trẻ em bị đuối nước và xâm hại gia tăng là vấn đề nhức nhối, gây trăn trở cho ngành. Trước thực tế này, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy định của trung ương và ban hành các văn bản về chăm sóc trẻ em.

Sở sẽ tăng cường tập huấn, tuyên truyền trên mạng xã hội, giáo dục trẻ về cách bảo vệ bản thân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội để đảm bảo an toàn cho trẻ; tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực và phối hợp điều tra xử lý các vụ xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Dạy bơi cho học sinh, lắp đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao.

Ông Phùng Hiệp Quốc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước trả lời tại buổi chất vấn. Ảnh: BP

Ông Quốc nói thêm: “Nội dung xem xét trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ quan, địa phương khi để xảy ra sai phạm, thiếu sót trong việc chăm sóc trẻ em trên địa bàn, trong báo cáo hoặc các buổi họp quán triệt, UBND tỉnh đã có chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan để có những giải pháp và tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt khoản 3, Điều 90 của Luật Trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ theo quy định.

Bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, Bình Phước có nhiều sông, suối, ao hồ nên khó khăn trong công tác quản lí.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, trẻ em cần được trang bị kỹ năng bơi lội nhưng cơ sở vật chất cho việc dạy bơi còn rất hạn chế. Trong 300 trường học ở Bình Phước chỉ có 47 trường có bể bơi di động hoặc cố định. Gần 70% giáo viên dạy giáo dục thể chất có khả năng dạy bơi nhưng thiếu cơ sở vật chất để thực hiện. Do đó, tỷ lệ học sinh biết bơi còn thấp, chưa đạt 10%.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: BP

Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy bơi cho học sinh, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án dạy bơi an toàn cho học sinh tại các địa phương. Dự kiến cuối tháng 10/2024, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án này để các địa phương triển khai. Đây là căn cứ quan trọng để UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu thực hiện. Việc triển khai đề án sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn hẹp.

Bà Trần Tuyết Minh cũng cho biết: "UBND tỉnh sẽ cân nhắc sử dụng nguồn lực từ ngân sách và huy động nguồn xã hội để trang bị hồ bơi di động, hồ bơi theo quy định. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xem xét cơ chế vận hành hồ bơi để đảm bảo việc dạy bơi an toàn và hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn trong thời gian tới".

Lực lượng tìm kiếm được 1 trong 3 bé gái đuối nước ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vào tháng 3/2024. Ảnh: ĐC

Cũng trong phiên chất vấn, các đại biểu còn băn khoăn về tình trạng nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp về giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt thấp.

Vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, Phạm Thụy Luân đã đăng đàn trả lời.

Sau phần chất vấn của 2 tư lệnh ngành, HĐND tỉnh Bình Phước đã thông qua 13 nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/van-de-tre-em-duoi-nuoc-bi-xam-hai-nong-tai-phien-chat-van-o-binh-phuoc-post1105857.vov