Trách nhiệm hình sự khi trốn đóng BHXH
Việc xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH phụ thuộc rất lớn vào quá trình thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm.
Ngày 6-6 vừa qua, tại phiên họp của Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có phần trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lao động, việc làm.
Đáng chú ý, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề trốn đóng BHXH.
Chưa xử lý hình sự trường hợp nào
Bộ trưởng Dung cho biết: “Trốn đóng BHXH hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được. Do đó chưa xử lý được trường hợp nào. Ví dụ như TP.HCM, tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được, vướng hành vi, chưa xác định rõ”.
Có thể kiện nếu công ty không đóng BHXH
Nếu người lao động phát hiện ra công ty không đóng các loại bảo hiểm cho mình thì có thể khởi kiện ra tòa án để đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Thông thường, tổ chức công đoàn sẽ đứng ra đại diện cho những người lao động và kiện công ty trong trường hợp này. Tuy nhiên, quá trình kiện tụng cũng là rất gian nan.
PGS-TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM
“BLHS quy định rồi, Luật BHXH rõ rồi, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng ban hành Nghị quyết 05 rồi nhưng hiện nay chưa xử lý được. Do chưa có sự thống nhất về nội hàm, giữa trốn đóng với chậm đóng không phân biệt được. Chưa rõ nội hàm thì chưa thể khởi tố, không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố” - Bộ trưởng Dung cho hay.
Tranh luận, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nhấn mạnh không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người lao động. Ông Nghĩa đề nghị VKS, tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của QH vào cuộc, xem xét…
Cơ quan tố tụng phải chứng minh được là “trốn đóng”
Nêu quan điểm về vấn đề trên, ThS - luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Trốn đóng, chậm đóng BHXH… là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014.
Còn theo Điều 122 Luật BHXH 2014 thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm hành chính, các hành vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như chậm đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH, trốn đóng BHXH (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự ) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 39 Nghị định 12/2022. Theo đó, mức phạt tiền có thể lên đến 75 triệu đồng; người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, chế tài hình sự hiện nay chỉ áp dụng đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, một người chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nếu thỏa mãn cả hai điều kiện sau: (1) Gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; (2) Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động (phạm tội theo khoản 1 Điều 216 BLHS).
Khi đó, người có hành vi phạm tội sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội thuộc khoản 2, 3 Điều 216 thì hình phạt cao nhất là phạt tiền đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến bảy năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng.
“Tội trốn đóng BHXH là tội phạm mới được quy định trong BLHS 2015. Tội phạm này chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội kể từ 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018” - ThS - luật sư Thắng Ý cho biết.
Mặc dù Nghị quyết 05/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có định nghĩa “gian dối để không đóng hoặc không đóng đầy đủ” nhưng đối với hành vi bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này có thể gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh hành vi phạm tội.
“Do đó, nghị quyết hướng dẫn cần làm rõ thêm nội dung này. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, người có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động vẫn thực hiện việc kê khai nhưng bị chậm vì nhiều lý do nên trách nhiệm chứng minh lúc này thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Họ chậm đóng không đồng nghĩa với việc họ trốn đóng. Trong khi đó, để xử lý hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được có hành vi trốn đóng bảo hiểm” - ThS - luật sư Ý nêu quan điểm.
Về vấn đề chứng minh tội phạm, ThS Ngô Minh Tín, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đây cũng là nguyên nhân rõ ràng nhất dẫn đến chưa có trường hợp nào bị xử lý về tội trốn đóng bảo hiểm, cơ quan có thẩm quyền sau khi thu thập chứng cứ nhận thấy chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.
Cách xem công ty có đóng BHXH hay không
Nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin, giúp người lao động đảm bảo quyền lợi trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam vừa thực hiện việc điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID lên phiên bản 1.6.5.
Theo đó, ứng dụng VssID đã được bổ sung thêm tính năng hiển thị thời gian chậm đóng BHXH, BHTN của người tham gia.
Cụ thể, tại phiên bản này, ứng dụng VssID hiển thị: Tổng thời gian chưa đóng BHXH, BHTN; chi tiết thời gian và đơn vị chưa đóng BHXH, BHTN cho người lao động tại cơ quan BHXH đang quản lý.
Đồng thời, VssID phiên bản 1.6.5 thực hiện gửi thông báo trên ứng dụng cho người lao động về thời gian chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN… của người sử dụng lao động từ 30 ngày trở lên.
Nguồn PLO: https://plo.vn/trach-nhiem-hinh-su-khi-tron-dong-bhxh-post737086.html