Trách nhiệm không của riêng ai

Tỉnh Long An đang bước vào thời gian cao điểm của đợt điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng sự tâm huyết, trách nhiệm và cái tâm của các điều tra viên, hy vọng, tỉnh sẽ không bỏ sót bất cứ đối tượng nào cũng như không để chính sách bị trục lợi.

Đối thoại hộ nghèo, cận nghèo sau khi điều tra theo chuẩn hộ nghèo mới

Đối thoại hộ nghèo, cận nghèo sau khi điều tra theo chuẩn hộ nghèo mới

Trách nhiệm và cái tâm

Được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cần Giuộc giới thiệu, chúng tôi đến xã Phước Lâm - địa phương làm tốt công tác điều tra chuẩn hộ nghèo mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp chúng tôi là Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thị Hồng Duyên. Cuộc trò chuyện giữa chị Duyên với chúng tôi thường bị ngắt quãng bởi chị phải xử lý nhiều công việc khác nhau.

Chị Duyên bộc bạch: “Áp lực của tôi chẳng thấm gì so với anh em ở ấp. Họ vừa phải phát huy tốt vai trò tổ Covid cộng đồng, vừa hoàn thành các công tác điều tra như hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, cung cầu lao động, gia đình văn hóa. Áp lực về thời gian đối với anh em ở ấp rất lớn, trong khi phụ cấp không nhiều. Nhiều lúc thấy anh em cực quá chỉ biết động viên chứ không dám tạo thêm áp lực. Những anh em làm việc ở ấp chủ yếu làm vì cái tâm, trách nhiệm với cộng đồng chứ không vì tiền lương hay các khoản phụ cấp”.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, ông Nguyễn Châu Nhựt (công chức LĐ - TB&XH xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) thường xuyên đi sớm, về khuya để kịp thời đưa các gói hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đến với người dân cũng như chuyển các phần quà mà nhà hảo tâm tặng người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Còn khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ông lại cùng các trưởng ấp “đi từng nhà, rà từng đối tượng” để làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều mới giai đoạn 2021-2025. Những lúc công việc nhiều, ban ngày xử lý không hết thì ông lại đem tài liệu về nhà để tối làm tiếp.

Vợ ông Nhựt bộc bạch: “Thấy chồng lớn tuổi mà áp lực công việc nhiều, trong khi tiền lương thì thấp nên tôi khuyên chồng nghỉ việc ở nhà phụ giúp gia đình kinh doanh. Thế nhưng chồng tôi nhất quyết không đồng ý và nói, kinh tế gia đình mình ổn định thì nên giúp đỡ, phục vụ người dân quê mình”.

Được biết, ông Nhựt làm công chức LĐ-TB&XH xã Phước Lâm từ năm 1989. Ông luôn sâu sát cơ sở, nắm rõ hộ nghèo, cận nghèo. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp ông dễ dàng rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo. Ông Nhựt trải lòng: “Công tác trong ngành LĐ-TB&XH, tôi có điều kiện đi và tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau, có người không con cháu, sống neo đơn nhờ vào số tiền trợ cấp của Nhà nước, có người bệnh nan y không có tiền chạy chữa thuốc men,...

Những hoàn cảnh đó rất đáng thương, cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để cuộc sống bớt phần vất vả. Còn đối với rà soát hộ nghèo, cận nghèo, mình làm một cách chính xác sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ cơ bản của xã hội cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Với tôi, công việc nào cũng vất vả nhưng điều quan trọng là phải gắn bó và làm bằng cái tâm thì khó khăn, vất vả nào cũng vượt qua được”.

Theo Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Cần Giuộc - Trần Thị Mai Xuân, thời điểm gần cuối năm, công việc của ngành LĐ - TB&XH tăng lên gấp nhiều lần, trong khi biên chế ít và mỗi xã, thị trấn chỉ có 1 công chức LĐ - TB&XH. Riêng năm nay, ngành phải giải quyết thêm các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ nên áp lực rất lớn. Nhiều anh em phải làm ngày, làm đêm để kịp tiến độ của cấp trên giao và kịp thời đưa chính sách đến với người dân. Với chúng tôi, bây giờ chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ, chứ không phân biệt thứ bảy hay chủ nhật”.

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến từng nhà điều tra hộ nghèo

Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến từng nhà điều tra hộ nghèo

Thêm cơ hội cho người nghèo vươn lên

Trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, thay đổi qua các giai đoạn: 1993 - 1995, 1995 - 1997, 1997 - 2000, 2001 - 2005, 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020. Chuẩn nghèo quốc gia là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chương trình phát triển KT - XH của đất nước và khu vực, địa phương trong từng giai đoạn.

Đối với giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 được kế thừa và phát triển theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ở một cấp độ, mức độ cao hơn, thể hiện ở các nội dung như nâng tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (mức chuẩn cũ: Khu vực nông thôn 700 ngàn đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900 ngàn đồng/người/tháng); tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Giám đốc Sở LĐ - TB&XH - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Nghèo là một trong những rào cản lớn làm giảm khả năng phát triển con người, cộng đồng cũng như mỗi quốc gia. Người nghèo thường không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội như việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thông tin,... Và điều đó khiến cho họ ít có cơ hội thoát nghèo. Do vậy, nâng cao các tiêu chí đo lường hộ nghèo, cận nghèo, tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ cơ bản được xem là cơ hội, phương thức tốt nhất để giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Sau khi các địa phương có báo cáo về công tác điều tra chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đa chiều mới, giai đoạn 2021 - 2025, ngành LĐ - TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương, với quyết tâm không để sót bất cứ ai đủ điều kiện, không chạy theo thành tích và để chính sách bị trục lợi”.

Điều tra theo chuẩn hộ nghèo, cận nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút” cùng với hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Thế nhưng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, việc điều tra chuẩn nghèo theo tiêu chí mới sẽ đúng thực tế, góp phần phát huy tốt ý nghĩa của bộ tiêu chí điều tra hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025./.

"Hiện nay, huyện nỗ lực hoàn thành việc điều tra chuẩn hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình điều tra, huyện đề nghị các điều tra viên phải bảo đảm thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không ăn, uống tại nhà người dân trong quá trình điều tra. Đa số hộ nghèo, cận nghèo ở huyện chủ yếu là người già neo đơn, người bệnh nan y nên công tác phòng, chống dịch cần được quan tâm, không được lơ là, chủ quan”.

Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Cần Đước - Lê Hoàng Vũ

"Điều tra viên của các xã, thị trấn đều được ngành LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn về quy trình tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, Phòng LĐ - TB&XH cũng cung cấp số điện thoại của chuyên viên phụ trách giảm nghèo để các điều tra viên sẽ điện thoại hỏi trực tiếp khi gặp khó khăn trong quá trình điều tra, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ sót đối tượng hoặc xét không đúng đối tượng”.

Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Thạnh Hóa - Võ Bảo Toàn

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai-a125328.html