Trách nhiệm không của riêng ai

Bài cuối:
HỆ SINH THÁI RỪNG PHONG PHÚ

BPO - Ngoài cứu hộ động vật hoang dã, để bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, các chủ rừng, chủ vườn đã phối hợp chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế điều tra, khảo sát, thu mẫu nghiên cứu nhân rộng. Từ đó không chỉ bảo tồn được các loài gen quý hiếm mà từng bước làm đa dạng, phong phú thêm hệ sinh thái rừng, nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Nhân rộng hệ sinh thái

Để bảo tồn, phát triển các loài gen quý hiếm, năm 2023 Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập phối hợp với các chuyên gia điều tra, khảo sát, thu mẫu và thực hiện các đề tài nghiên cứu làm đa dạng, phong phú thêm các loài sinh vật. Qua điều tra, khảo sát, đơn vị thu hơn 100 mẫu thuộc 45 loài cá và 3 loài cua. Theo đó đã phát hiện 21 loài cá chưa từng có trong danh mục trước đây và 3 loài cua mới của thế giới, hiện đang phối hợp phân tích ADN để xác định chính xác, cụ thể hơn. Cũng qua điều tra, khảo sát, thu mẫu 178 loài thực vật thuộc 55 họ, 3 bộ, năm 2023 VQG Bù Gia Mập đã phát hiện thêm 40 loài thực vật mới, nâng tổng số lên 1.154 loài thực vật toàn vườn. Cùng với đó, vườn đã thực hiện gắn mã QR trên các thực vật để phục vụ công tác giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thực hiện gắn mãQR trên các thực vật để phục vụ công tác giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái

Anh Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Bù Gia Mập cho biết: Hiện VQG Bù Gia Mập đang thực hiện 2 đề tài do UBND tỉnh giao là nghiên cứu bảo tồn các loài nấm linh chi; bảo tồn và phát triển các loài trà mi. 2 đề tài được vườn tập trung nhân lực nghiên cứu để cho ra kết quả sớm và tốt nhất. Ngoài ra, vườn đang đề xuất đề tài nghiên cứu về các loài nấm lớn. Nếu được phê duyệt sẽ tạo ra bước ngoặt về nấm, bởi vườn chưa có nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về nấm. Bên cạnh đó, công trình điều tra, giám sát tổng thể đa dạng sinh học 10 năm qua chưa được thực hiện. VQG Bù Gia Mập là nơi có hệ sinh thái đặc biệt phía Tây của Nam Trường Sơn, vùng sinh cảnh rừng khô trên đồi núi thấp - nơi có rất nhiều loài thú quý hiếm. Nếu được phê duyệt thì đây sẽ là những dự án lớn giúp việc quảng bá, kêu gọi các tổ chức quốc tế quan tâm, tham gia công tác bảo tồn, đa dạng sinh học của vườn.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập thu hơn 100 mẫu thuộc 45 loài cá và 3 loài cua. Theo đó, đã phát hiện 21 loài cá chưa từng có trong danh mục trước đây và 3 loài cua mới của thế giới

Vườn quốc gia Bù Gia Mập thu hơn 100 mẫu thuộc 45 loài cá và 3 loài cua. Theo đó, đã phát hiện 21 loài cá chưa từng có trong danh mục trước đây và 3 loài cua mới của thế giới

“Công tác điều tra cơ bản về đa dạng sinh học cực kỳ quan trọng, vừa bảo tồn các loài gen quý vừa nhân rộng, phát triển các sản phẩm thương mại. Đối với thực vật sẽ có tiềm năng phát triển về cảnh quan, cây thuốc quý, bảo vệ môi trường. Đối với công trình cá sẽ phát triển thêm các giống quý hiếm để bảo tồn, phát triển; đồng thời nghiên cứu sâu hơn về tập tính sinh thái, sinh học của loài cá phục vụ hoạt động thương mại, dân sinh” - anh Tháp chia sẻ.

Cùng với các công trình nghiên cứu, năm 2023 thông qua đặt bẫy ảnh trong vùng lõi của vườn đã phát hiện những quần thể bò tót lớn và các loài thú quý hiếm như nhím, nai, hươu, chồn, cheo… Đặc biệt, thông qua bẫy ảnh đã phát hiện quần thể động vật phân bố hẹp như chà vá chân đen, vượn đen má vàng và các loài chim quý hiếm được ưu tiên bảo tồn của các tổ chức trong nước và quốc tế. Theo anh Tháp, công tác bảo tồn của VQG Bù Gia Mập thực hiện rất tốt dù có những khó khăn nhất định. Mong rằng, các sở, ban, ngành, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, giúp cán bộ của vườn có điều kiện tốt nhất để nghiên cứu nhiều công trình mới, làm đa dạng, phong phú nguồn sinh vật.

“Công tác bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam được cả thế giới rất quan tâm và VQG Bù Gia Mập không thể đứng ngoài. Bởi vậy, phải đánh giá được hiện trạng các loài này như thế nào, tác động con người ra sao thì mới đề ra biện pháp bảo vệ chúng. Đối với VQG, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng chương trình phối hợp, kêu gọi các tổ chức quốc tế sử dụng các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn, phát triển sinh vật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo tồn động vật hoang dã”.

Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa

Tiềm năng cho sự phát triển

Với diện tích gần 26.000 ha, VQG Bù Gia Mập luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm qua không xảy ra cháy rừng, thiệt hại về rừng. Nhờ đó đã bảo tồn nhiều mẫu chuẩn sinh thái và nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật rừng ẩm nhiệt đới, đặc trưng cho đới chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo tồn nhiều thực vật quý

Vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo tồn nhiều thực vật quý

Không chỉ động, thực vật ngày càng sinh sôi, nảy nở nhiều về số lượng, đa dạng về số loài mà điểm nhấn ấn tượng ở khu rừng này là năm 2022 được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 39 cây di sản Việt Nam tuổi từ 200-450 năm, trong đó gồm quần thể 37 cây săng lẻ (còn gọi là cây bằng lăng), 1 cây sộp và 1 cây tung. Các cây di sản được vườn chăm sóc, bảo vệ và đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Việc được công nhận cây di sản Việt Nam không chỉ là điểm đến tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch mà còn phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn nguồn gen các loài thực vật quý hiếm. Đồng thời, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân địa phương.

Vườn quốc gia Cát Tiên có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi thu hút du khách đến tham quan

Vườn quốc gia Cát Tiên có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi thu hút du khách đến tham quan

Không chỉ được xem như lá phổi xanh của cả vùng Đông Nam Bộ, VQG Bù Gia Mập, VQG Cát Tiên hay nhiều khu rừng khác còn là rừng phòng hộ đầu nguồn mang ý nghĩa quan trọng. Từng cây rừng, khu rừng có tác dụng lớn sản sinh dòng nước, bảo vệ nguồn nước phục vụ tưới tiêu, dân sinh cũng như phòng, chống thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu. Đồng thời, rừng còn bảo vệ nước đầu nguồn cho hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ, tiềm năng chính để sản xuất điện phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh ở địa phương, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và góp phần làm tăng sản lượng điện quốc gia.

Các khu rừng nguyên sinh sở hữu hệ sinh thái lớn, đa dạng chủng loại cùng với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái rừng. Với việc được công nhận 39 cây di sản Việt Nam, năm 2023 lượng khách đến tham quan, du lịch tại VQG Bù Gia Mập tăng cao hơn so với những năm trước. Theo đó, VQG đã tiếp đón 6.300 lượt khách, tăng 1.300 lượt khách so với năm 2022, doanh thu gần 1 tỷ đồng. Cùng với một số thắng cảnh như giếng trời, thác Đắk Bô, suối Đắk Ca, hang Dơi, trảng Bằng Lăng, thác Lưu Li, thác Đắk Rốt… đến với VQG Bù Gia Mập, du khách được thưởng thức nhiều món ăn ẩm thực truyền thống của đồng bào S’tiêng, M’nông. Đây là điều kiện, tiềm năng giúp du lịch sinh thái của vườn ngày càng phát triển trong tương lai không xa.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/12/156205/trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai