Trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật
Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một khâu đột phá được Chính phủ xác định suốt ba nhiệm kỳ qua, thế nhưng, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
“Trách nhiệm người đứng đầu” - cụm từ nghe rất quen này bỗng trở nên khá “lạ” khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề cập trong phiên chất vấn vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Một trong các vấn đề được khá nhiều đại biểu chọn để chất vấn người đứng đầu ngành tư pháp là giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng thể chế, nhất là về nguồn nhân lực, để khắc phục những bất cập, hạn chế hiện tại.
Sự sốt ruột này, cũng dễ hiểu. Bởi từ đầu nhiệm kỳ này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một khâu đột phá mà Chính phủ xác định suốt ba nhiệm kỳ qua. Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, người tiền nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đưa ra yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, không được "né" bằng cách giao việc này cho cấp phó.
Thế nhưng, nhiệm kỳ nối tiếp nhiệm kỳ, thực tế được Bộ trưởng Lê Thành Long báo cáo công khai trước cử tri (phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp) là “rất nhiều lần đôn đốc, cho đến bây giờ mới có 8/28 bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, số còn lại do thứ trưởng phụ trách”.
Người đứng đầu ngành tư pháp cũng nói lời cảm ơn 8 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Đó là Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước.
Sau lời cảm ơn, ông Long không quên đề nghị 20 bộ, ngành còn lại quan tâm đến trách nhiệm người đứng đầu. Lý do là có rất nhiều việc, kinh nghiệm cho thấy, bộ trưởng nên trực tiếp cùng với phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực, mà sau này là Phó thủ tướng thường trực Chính phủ sẽ giải quyết nhanh. Thứ trưởng nhiều khi chỉ tham gia được một phần và cũng không đủ thẩm quyền giải quyết.
Tất nhiên, chưa hẳn là cứ người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế thì chất lượng xây dựng thể chế của bộ, ngành đó đương nhiên tốt hơn các bộ, ngành khác. Nhưng, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, không chỉ ở nhiệm kỳ này, đã chỉ ra rằng, việc bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thậm chí thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa trong suốt quá trình soạn thảo dự án luật đã dẫn đến không ít dự án luật không đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Sau khi dự án được trình Quốc hội, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, một số bộ trưởng, trưởng ban soạn thảo thường ủy quyền cho thứ trưởng; thứ trưởng lại ủy quyền tiếp cho cán bộ cấp vụ tham dự. Vì thế, các nội dung tiếp thu, giải trình thường bị kéo dài, khó thống nhất.
Luật Tổ chức Chính phủ quy định, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.
Với quy định này cùng thực tiễn nêu trên thì vai trò của người đứng đầu trong xây dựng thể chế chắc không cần bàn luận thêm. Nhưng, cũng cần nhắc thêm một thực tế nữa, được Chủ tịch Quốc hội nêu trong phiên họp tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là sai phạm ở các vụ việc cụ thể thì được xử lý rất kịp thời, rất nghiêm, song với việc ban hành văn bản sai gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ách tắc trong thực hiện, thì trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân lại chưa được xem xét.
Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nên con số “lạ” mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu ở trên.
Vậy, phải chăng, đã đến lúc Quốc hội cần “khó tính” hơn.
Vào Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nhiều chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn, trong đó có toàn bộ thành viên Chính phủ. Lúc này, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó được đặt lên hàng đầu là xây dựng, hoàn thiện thể chế lĩnh vực phụ trách của từng vị trưởng ngành sẽ được xem xét tổng thể, kỹ càng.
Những lá phiếu đánh giá tín nhiệm một cách thực chất, chắc chắn sẽ góp phần thay đổi con số buồn đã được Bộ trưởng Lê Thành Long nhắc tới, cũng có nghĩa sẽ tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật.