Trách nhiệm người đứng đầu trong 'khoán tăng trưởng
Để thực hiện được 'khoán tăng trưởng' qua đó hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng việc 'khoán' cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đề cập đến chính sách “khoán tăng trưởng”, ông Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, lâu nay việc địa phương không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng chưa gắn với việc đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt đối với người đứng đầu nên gắn trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể là chưa cao.
Ông Thịnh nhìn nhận, chỉ tiêu tăng trưởng nếu không có sức “ép” thì thường các địa phương xây dựng, đề ra mức tăng trưởng thấp. “Do đó đã phân cấp, phân quyền, giao quyền rồi thì tới đây người đứng đầu địa phương đạt được mục tiêu “khoán tăng trưởng” thì mới được xem xét, bổ nhiệm, đề bạt, hoặc cho tiếp tục giữ nguyên vị trí công tác. Nếu không đạt thì có thể điều chuyển, thay thế. Vì thế phải có “sức ép”, và phải chấp nhận” - ông Thịnh khuyến nghị.
Ông Thịnh phân tích rằng: Các quốc gia muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải có trạng thái tăng trưởng “2 con số” trong thập niên dài. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều như vậy cả. Đây là vấn đề mang tính chất định đề, “chân lý” đối với các quốc gia từ đang phát triển thành nước phát triển, phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, và đều phải có đặc trưng giống nhau là ít nhất tăng trưởng 2 con số trong 10 năm. Do đó, đất nước ta muốn trở thành nước phát triển, giai đoạn này mà không tăng được 2 con số thì không giai đoạn nào có thể tăng được nữa, nhiệm kỳ tới bắt buộc phải tăng trưởng 2 con số, và đây là sứ mệnh.
Theo ông Thịnh, thực tiễn hiện nay các nguồn lực của ta đang bị “o ép” rất nhiều về thủ tục, về thể chế. Nhiều việc người dân muốn kinh doanh phải xin phép, có việc nhà đầu tư, người dân muốn làm mà không biết xin phép ở đâu? Ngay các cơ quan nhà nước còn không biết hướng dẫn thế nào cho đúng. Do đó bây giờ Nhà nước phải hỗ trợ tối đa mọi thủ tục, nhân dân, doanh nghiệp được “bung” ra để sản xuất, làm ăn, kinh doanh thì đất nước sẽ tăng trưởng được 2 con số.
“Mọi việc phải đẩy nhanh hơn. Trước đây các dự án thi công trong 5 năm thì làm thủ tục mất 4 năm, còn thi công trong 1 năm. Bây giờ phải làm ngắn lại, kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm, nếu làm xong trong 2 năm thì khả năng vòng quay đã tăng lên gấp 2,5 lần. Do đó phải thay đổi tư duy, đẩy nhanh tiến độ để góp phần tăng trưởng, xoay vòng vốn. Như Sân bay Vân Đồn thi công trong 2,5 năm là xong. Cơ chế khoán tăng trưởng sẽ thúc ép các địa phương đẩy nhanh tốc độ, tránh lãng phí do sự chậm trễ, nhiều thủ tục”- ông Thịnh nói và cho biết Tổng Bí thư đã từng đưa ra dẫn chứng là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 thi công từ năm 2014 đến nay chưa đi vào hoạt động, nếu giao cho tư nhân làm thì không chỉ đi vào hoạt động mà còn thu hồi vốn từ lâu, làm thêm cả cái bệnh viện nữa.
Ông Thịnh cũng nêu ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản trong giai đoạn 1960 cũng giống như ta là dựa vào xuất khẩu, tăng nhanh xuất khẩu phục vụ các đơn hàng trên toàn thế giới. Quá trình của họ đồng hành song song với việc dựa vào FDI, xây dựng được hệ thống các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện tiếp nhận, làm quen tiếp cận và tiến đến làm chủ từng phần và làm chủ toàn phần để thay thế các nhà đầu tư nước ngoài. Tự lực, tự cường và hình thành tầng lớp doanh nhân đi khắp thế giới với các tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Toyota, Mitsubishi… và đó là bài học cho chúng ta học hỏi kinh nghiệp.
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng được bắt nguồn từ nền kinh tế, từ các địa phương, từ các ngành, động lực tăng trưởng và kết quả tăng trưởng nằm ở đó. Ví dụ nếu khoán GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm nay của địa phương này tăng trưởng 5%, nhưng sang năm sau phải tăng lên 6% thì tăng trưởng của mỗi địa phương cũng góp phần đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước. Như vậy, các địa phương đều phải tăng tốc trong phát triển, và mỗi con số phản ánh mức tăng trưởng của từng địa phương. “Gia tăng tăng trưởng sẽ cải thiện đời sống vật chất, tăng trưởng phải gắn với nâng cao đời sống của người dân trên mọi khía cạnh, bảo đảm giải quyết ổn thỏa hài hòa tất cả các vấn đề xã hội và quốc phòng an ninh”- ông Trần Văn Lâm cho hay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương là cách để người đứng đầu các địa phương có đột phá trong tư duy, cách làm, phát huy hết tiềm năng của các địa phương trong phát triển kinh tế xã hội. Qua đó mới giúp kinh tế đất nước đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.