Trách nhiệm người đứng đầu trong trả lời kiến nghị cử tri

Cần có chế tài và mạnh tay xử lý cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là người đứng đầu.

Trả lời kiến nghị cử tri đang là vấn đề “nóng”, được nhiều cử tri phản ánh tại các kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố hiện đang diễn ra trên cả nước. Việc né tránh, không trả lời đã được nhắc đến nhiều nhiệm kỳ qua song chưa được giải quyết. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết những kiến nghị của cử tri.

Tại Hà Nội, dẫu công tác giải quyết kiến nghị cử tri, khiếu nại tố cáo trên địa bàn thời gian qua có tiến bộ, nhưng nhìn chung còn chậm. Các vấn đề như: Xử lý và xử lý triệt để các vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng sai phép; di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dự án “treo” đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, phát sinh nhiều hệ lụy; công tác xử lý rác, nước thải được phản ánh tại nhiều kỳ họp, và lần này tiếp tục được bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội nhắc đến tại kỳ họp thứ XV, HĐND TP Hà Nội.

Không chỉ riêng tại Hà Nội, mà tại các tỉnh, thành phố khác, tình trạng giải quyết kiến nghị cử tri lại được các cử tri đề cập. Theo đó, ngay trước khi diễn ra kỳ họp thứ XV, HĐND TP Đà Nẵng, cử tri tại đây đã kiến nghị giải quyết có hiệu quả những vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài, như: quy hoạch treo, đất nông nghiệp không sản xuất được, đất tăng thêm, ùn tắc giao thông, rác thải, giải tỏa đền bù.

Và từ những kiến nghị chưa được giải quyết nên ngay trong phiên khai mạc của kỳ họp, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch MTTQ TP Đà Nẵng đã đề nghị: Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cần tổ chức nhiều hơn các phiên họp giải trình để đôn đốc UBND, các ngành, địa phương thực hiện nghị quyết kỳ họp và cam kết chất vấn.

“Đề nghị UBND thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành, địa phương về sự chậm trễ trong việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri” - bà Liên nêu rõ.

Những vấn đề được cử tri nêu ra, cũng chính là những bất cập phát sinh trong cuộc sống rất cần tháo gỡ. Điều đáng nói, nó không chỉ “nóng” ở cấp HĐND mà ngay tại Quốc hội thì việc trả lời kiến nghị của cử tri cũng cho thấy cử tri “chưa hài lòng” với phần trả lời của các bộ, ngành.

Theo đó, tại kỳ họp thứ IX vừa qua, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu lên tình trạng một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung mà chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đơn cử như cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị làm rõ trách nhiệm trong việc tính toán, chi trả sai lương hưu, đối với hàng nghìn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998. Tuy nhiên trả lời cử tri, Bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ nêu thông tin chung về việc một số địa phương có sai sót trong vấn đề này và tại Thái Bình có 974 giáo viên mầm non với tổng số tiền chi sai khoảng 7 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh Thái Bình mới chỉ thu hồi được khoảng 3 tỷ đồng (đạt khoảng 43%).

Trước phần trả lời trên, theo đánh giá của Ban Dân nguyện thì: “Như vậy sai sót là có và hiện BHXH đang khắc phục hậu quả, tuy nhiên vấn đề mà cử tri Thái Bình quan tâm là làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể thì chưa được BHXH trả lời rõ”.

Hay như việc cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, xử lý việc các trường cao đẳng, đại học tuyển sinh sai, không đủ điểm chuẩn như đã công bố. Thế nhưng trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và FFào tạo cho rằng Bộ này đã thành lập 4 đoàn kiểm tra để chấn chỉnh những sai phạm trong tuyển sinh tại 15 cơ sở giáo dục.

Trước phần trả lời trên, Ban Dân nguyện cho rằng vấn đề mà cử tri quan tâm đó là có các sai phạm như cử tri nêu không? Các sai phạm đó xảy ra ở đâu, có cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm hay không? Và biện pháp xử lý, khắc phục tới đây như thế nào? thì chưa được Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời rõ.

Từ vấn đề trên, Ban Dân nguyện đã kiến nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời đầy đủ thông tin cho cử tri Lâm đồng, đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và công bố công khai để cử tri biết, theo dõi, giám sát”.

Từ thực tế trên, vậy giải quyết vấn đề này bằng cách nào?, bởi nếu để kéo dài sẽ gây mất niềm tin của nhân dân và có thể từ đó trở thành khiếu nại, tố cáo.

Là người từng trải qua cương vị đại biểu HĐND cũng như ĐBQH, nói với Đại Đoàn Kết, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Cán bộ các cấp có trách nhiệm trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến. Luật giải quyết khiếu nại tố cáo, và Luật tiếp công dân cũng đã quy định về vấn đề này. Vì vậy Quốc hội, HĐND, MTTQ, cần tăng cường giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri. Có như vậy mới không dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

“Thời gian qua để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp là do cấp dưới không giải quyết nên người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên khiến khiếu kiện đông người. Nếu quá thời gian mà không trả lời, giải quyết vấn đề cử tri nêu thì phải bị xử lý. Phải lấy mục tiêu phục vụ người dân là cao nhất. Ai không làm tròn trách nhiệm cần bị xử lý” - bà An bày tỏ.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, dù thời gian gần đây đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có giảm hơn so với trước nhưng tỷ lệ giải quyết ở một số địa phương, bộ, ngành lại đạt thấp hơn trước.

Đáng lưu ý, một số vụ khiếu kiện đông người kéo dài lại có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là tình trạng cán bộ và cơ quan có thẩm quyền tiếp tân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở nhiều địa phương, bộ, ngành còn quan liêu, né tránh giải quyết. Hoặc chỉ giải quyết qua loa cho xong chuyện từ đó khiến nhân dân bức xúc gửi đơn thư vượt cấp.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, nhất là người đứng đầu.

Điều quan trọng hơn là cần có chế tài và mạnh tay xử lý cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là người đứng đầu.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-tra-loi-kien-nghi-cu-tri-490942.html