Trách nhiệm người đứng đầu về chuyển đổi số

Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đề ra mục tiêu đến năm 2030, quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị...

Các chiến sĩ Công an huyện Lộc Ninh đến tận nhà hỗ trợ người dân làm căn cước công dân. (Ảnh: NHẤT SƠN)

Các chiến sĩ Công an huyện Lộc Ninh đến tận nhà hỗ trợ người dân làm căn cước công dân. (Ảnh: NHẤT SƠN)

Nghị quyết số 57 nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đó là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện…

Giai đoạn 2021-2025, Bình Phước đã đạt kết quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi số. Tỉnh được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 với giải pháp “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” và nhận giải thưởng cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2024 của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO). Năm 2023, Bình Phước có chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 13 cả nước, với chỉ số thành phần nhận thức số đứng đầu cả nước.

Tỉnh ủy Bình Phước đã có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, xác định chuyển đổi số là cơ hội lớn giúp tỉnh tăng tốc trong phát triển kinh tế-xã hội và thống nhất quan điểm, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị; đồng thời yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện số hóa tại đơn vị, địa phương, lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hằng năm.

Thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu phát triển cả ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Bình Phước kiên trì mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Từ nghị quyết của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đều ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số, phù hợp với các tiêu chí chung và yêu cầu từ thực tiễn địa phương. Tỉnh thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 100 tổ cấp xã, gần 850 tổ cấp thôn, tổng cộng hơn 5.500 thành viên.

Trong các chương trình kiểm tra, giám sát, các báo cáo kết quả chuyển đổi số định kỳ, tỉnh chú trọng đánh giá sát sao, kỹ lưỡng vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên. Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 có chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 90%; bảo đảm phủ sóng 5G toàn tỉnh và phát triển công dân số, với tối thiểu 80% số dân có danh tính số. Về nhân lực, tỉnh phấn đấu 100% số học sinh tiếp cận với STEM và 100% số trường học tổ chức giảng dạy kỹ năng số; tối thiểu 25% số cán bộ lãnh đạo có chuyên môn về khoa học kỹ thuật...

HOÀNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trach-nhiem-nguoi-dung-dau-ve-chuyen-doi-so-post875753.html