Trách nhiệm 'người lái đò'
Kế thừa truyền thống 75 năm Đại học Văn khoa, kinh nghiệm 25 năm xây dựng và phát triển, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẳng định uy tín, vị thế của một cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội nhân văn của đất nước.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trường tọa lạc tại số 336, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Diện tích của trường không rộng lớn, nhưng được bố trí rất khoa học và đầy đủ tiện nghi phục vụ cho công việc giảng dạy của giảng viên cũng như việc học tập, nghiên cứu của sinh viên. Đặc biệt, trường luôn giữ vững và phát huy được vị thế, uy tín của một trường đại học hàng đầu về nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn của Việt Nam, có uy tín quốc tế. Đội ngũ cán bộ khoa học của trường đã chủ trì, tổ chức triển khai nhiều đề tài khoa học các cấp; nhiều chuyên gia được giao Chủ nhiệm nhiệm vụ thành phần thuộc các chương trình khoa học lớn của Nhà nước. Các công trình nghiên cứu của trường đã góp phần củng cố hệ thống lý luận cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nói về công tác tuyển sinh, đào tạo của trường, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ: Trong những năm gần đây, để bắt kịp xu thế, nhà trường liên tục thực hiện nhiều chiến dịch như “Không để sinh viên Nhân văn bị bỏ lại phía sau”, đổi mới hoạt động tuyển sinh đại học, đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng văn hóa chất lượng, lan tỏa tinh thần sáng tạo, đổi mới...
Năm 2020, nhà trường đã ghi nhận nhiều kỷ lục mới trong công tác tuyển sinh: 34.493 nguyện vọng, trong đó tỷ lệ thí sinh đăng ký NV1 cao hơn 5% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng xét thẳng, ưu tiên theo phương thức khác lên đến hơn 2.000 thí sinh, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Các công tác đào tạo xã hội hóa chất lượng cao - dù mới ra mắt nhưng đều vượt chỉ tiêu với mức điểm chuẩn khá cao. Những con số trên phản ánh đột phá vượt trội về chất lượng nguồn tuyển sinh năm nay - GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Dịch Covid - 19 bùng phát trên toàn thế giới đã khiến 2020 trở thành một năm học đầy khó khăn và thách thức đối với ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, thầy Tuấn đã có tâm thư, cổ vũ đến các em sinh viên với tiêu chí “Không để sinh viên Nhân văn nào bị bỏ lại phía sau”. Trường cũng đã thực hiện triển khai thành công 7 đợt tập huấn cho gần 200 cán bộ, giảng viên về giảng dạy trực tuyến. Đồng thời xây dựng video, tài liệu hướng dẫn chi tiết phục vụ học tập cho giảng viên, sinh viên.
Trong học kỳ 2, năm học 2019 - 2020, đã có 421 giảng viên và hơn 7.000 sinh viên đăng ký dạy và học trực tuyến, 815 lớp học phần được chuyển đổi học trực tuyến thành công. Việc giảng dạy trực tuyến được triển khai đồng bộ ở gần như tất cả các môn học với chất lượng đảm bảo, không chỉ góp phần cụ thể hóa chủ trương của nhà trường về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đảm bảo hoạt động giảng dạy theo kế hoạch trong mùa dịch Covid-19 mà còn tạo không khí đổi mới, sáng tạo trong cán bộ toàn trường.
Luôn nỗ lực hết mình vì thế hệ trẻ tương lai, thầy Hoàng Anh Tuấn thường được các em sinh viên Nhân văn ví như “người lái đò” trách nhiệm - luôn đứng vững và chèo lái con thuyền tri thức, cổ vũ, động viên tinh thần học tập sáng tạo của sinh viên.
Có thể nói, làm nhà giáo ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thật khó nhưng thật vinh quang và đầy niềm vui - niềm vui khi các thế hệ sinh viên trưởng thành dưới “mái nhà” Nhân văn. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc tất cả các thầy cô giáo của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhiều sức khỏe, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” vĩ đại.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/trach-nhiem-nguoi-lai-do-293319.html