Trách nhiệm ở cả phía người tiêu dùng
Tính đến 7/11 là ngày thứ 6, lực lượng quản lý thị trường tiến hành truy quét hàng giả tại Sài Gòn Square, mỗi ngày lại tiếp tục phát hiện các cơ sở vi phạm với số lượng lớn.
Truy quét “thiên đường” hàng giả tại Sài Gòn Square:
Nằm trong lộ trình triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch 888) của Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 1/11, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục, lực lượng quản lý thị trường TP HCM tiếp tục bất ngờ tấn công vào thiên đường mua sắm Sài Gòn Square, tại địa chỉ số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã chia thành 6 tổ công tác kiểm tra 6 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại này.
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 6/11, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra 4 điểm, tạm giữ 1.329 đơn vị sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas, Rolex, Samsung…và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết 97.815.000 đồng. Trước đó, liên tiếp trong 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3/11, Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tục tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm đếm lượng lớn hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Tại hiện trường, lực lượng Quản lý thị trường đã lập biên bản các cơ sở kinh doanh buôn bán các sản phẩm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.
Dù trong 2 ngày cuối tuần nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn “tung quân” truy quét tới cùng vào “thủ phủ” hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm Saigon Square. Việc làm cả thứ 7, chủ nhật cho thấy quyết tâm rất cao của lực lượng quản lý thị trường, đây sẽ là “cuộc chiến” không có điểm dừng khi hàng giả, hàng nhái còn tồn tại Saigon Square.
Trung tâm Thương mại Saigon Square, cùng với chợ Bến Thành được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, với thâm niên tồn tại hơn 2 thập kỷ (ra đời từ năm 2000), nơi đây như một “thành trì” vững chắc với các chiêu trò qua mặt các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, hạn chế kiểm tra. Đây cũng là nơi làm giàu của nhiều hộ kinh doanh bởi siêu lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Đánh giá gì về sự quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường ở thời điểm cuối năm, khi mà hàng nhái hàng giả diễn biến rất phức tạp, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, thông thường vào những dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao như dịp Tết, các đối tượng buôn bán hàng giả hàng nhái vận chuyển hàng, tích trữ hàng và buôn bán công khai với số lượng lớn. Đặc biệt các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái có nhiều chiêu trò, manh khóe và có nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là quy luật chung từ trước đến nay.
Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý về dự án Luật, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Với người bán hàng giả khi bị phát hiện, hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, dự luật lần này chưa nêu trường hợp nói trên. Bởi nếu không xử lý những người cố tình mua hàng giả sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững. Vì thế cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua. Nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.
Lâu nay, trong suy nghĩ của rất nhiều người tiêu dùng có tâm lý, dùng hàng giả, hàng nhái giá rẻ là không có tội. Pháp luật Việt Nam đã có quy định về xử lý hành vi người cố tình tiêu thụ hàng giả. Có lẽ đến thời điểm này, những quy định của pháp luật cần phải tăng cường hơn nữa, tiệm cận với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhất là Công ước Bern về sở hữu trí tuệ. Có thể do việc tăng cường xử lý người tiêu dùng hàng giả, hàng nhái chưa được thực hiện nghiêm nên vẫn còn cơ hội cho những cơ sở kinh doanh hàng nhái, hàng giả tiếp tục phát triển.
Tại Áo, số tiền phạt có thể lên đến 15.000 Euro. Tuy nhiên, nếu bạn bị lừa mua phải hàng giả trên mạng, sẽ không bị phạt. Du khách nhập cảnh vào Bỉ nếu mang theo các món hàng không phải chính hãng hoặc đạo nhái thương hiệu của người khác có thể bị phạt từ 500 Euro đến 100.000 Euro. Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự. Cảnh sát Ý có thể phạt khách du lịch lên tới 11.000 Euro nếu phát hiện người đó có hành vi mua bán hàng giả từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.
Ở nước ngoài, hành vi sử dụng hàng nhái, hàng giả bị nhiều nước xử lý nghiêm minh. Theo Trung tâm Tiêu dùng châu Âu ECC, du khách đến những quốc gia sau sẽ gặp rắc rối nếu mang theo hoặc mua hàng giả. Tại Pháp, nếu mang hàng giả đến nước này và bị phát hiện, du khách có thể bị phạt số tiền cao gấp đôi giá trị thật của món đồ đó. Mức phạt tối đa là 300.000 Euro. Việc dùng hàng giả có thể khiến khách phải đối mặt với án tù 3 năm. Nếu bị phát hiện nằm trong đường dây buôn bán hàng giả, án tù lên đến 10 năm.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-o-ca-phia-nguoi-tieu-dung-311168.html