Trách nhiệm pháp lý đối với người đàn ông vô cảm khi chứng kiến nạn nhân bị kẻ sát nhân đâm gần 100 nhát dao

Cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Bởi việc cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể cứu được mạng người, ngăn chặn được hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đang tạm giữ Nguyễn Thị Ngọc Dung (39 tuổi, trú tại quận 12) để điều tra về hành vi giết người và cướp tài sản. Công an đồng thời tạm giữ chồng của Dung để làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ việc trên.

Khoảng 11 giờ ngày 30/9, chị H.T.T.T (26 tuổi, ngụ quận 12), làm nghề bán rau chạy xe máy chở Dung đến bãi xe sau chợ đầu đầu mối nông sản Thủ Đức. Tại đây Dung dùng dao đâm nhiều nhát vào vùng ngực và đầu chị T. Sau khi gây án, Dung lấy điện thoại iPhone 14 Pro Max, một bông tai bằng kim loại màu vàng và khoảng 15 triệu đồng tiền mặt của chị T. rồi lên xe máy bỏ đi. Chị T. được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đến chiều thì tử vong.

Sau hai giờ, Công an phường Tam Bình đã phối hợp với các trinh sát bắt giữ Dung khi người này đang trốn tại phường Hiệp Bình Phước.

Khi biết vợ gây án, chồng của Dung đã không khuyên ngăn vợ đi đầu thú mà còn mang bộ đồ dính máu đi tẩm xăng đốt.

Hình ảnh nạn nhân thời điểm bị sát hại có sự chứng kiến của một người đàn ông (ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh nạn nhân thời điểm bị sát hại có sự chứng kiến của một người đàn ông (ảnh cắt từ clip)

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, với diễn biến thể hiện qua camera an ninh thì việc xử lý hình sự về tội giết người đối với đối tượng Dung là có cơ sở. Ngoài ra cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người đàn ông có mặt trong clip để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tin qua clip cho thấy, Dung đã chuẩn bị hung khí từ trước, bất ngờ rút dao nhọn giấu trong người đâm nhiều nhát vào người nạn nhân. Hành vi của đối tượng là có tính chất côn đồ, có sự chuẩn bị từ trước, tấn công nạn nhân rất quyết liệt, hậu quả nạn nhân đã tử vong. Do đó, đối tượng sẽ bị khởi tố về tội "Giết người" theo quy định tại điểm n, khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015) với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều đáng nói, thời điểm Dung gây án có một người đàn ông đứng gần đấy nhưng thay vì vào can ngăn thì người này dửng dưng, quay người bỏ đi. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người đàn ông đối với đối tượng gây án để xác định hành vi có đồng phạm hay không. Trong trường hợp kết quả cho điều tra cho thấy, người đàn ông có "cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội", là người cảnh giới hoặc là người chở đối tượng này đi thực hiện hành vi phạm tội (giết người) thì cũng sẽ xử lý với vai trò đồng phạm.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người này không có mối quan hệ nào đối với kẻ sát nhân, không có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ làm rõ hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người đàn ông biết rõ hành vi của người phụ nữ kia là muốn sát hại nạn nhân, bản thân có thể cứu giúp bằng nhiều cách như hô hoán, kêu cứu, can ngăn nhưng không thực hiện thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 (BLHS 2015).

Cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Việc cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể cứu được mạng người, ngăn chặn được hành vi nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật không bắt buộc công dân phải lao vào đối tượng đang có hung khí để cứu người nhưng có rất nhiều cách để cứu người như hô hoán để nhiều người cùng tham gia ứng cứu, khiến cho đối tượng đang có ý định sát hại người khác có thể từ bỏ hành vi.

Trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của người đàn ông này đối với tình huống nguy hiểm đó; làm rõ vì sao người đàn ông không có biểu hiện gì căn ngăn, hô hoán, cứu giúp nạn nhân. Với tình huống như vậy, chỉ cần có người phát hiện, can ngăn, hô hoán thì có thể đối tượng sẽ dừng hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi của người đàn ông này là rất vô cảm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định. Nếu kết quả điều tra xác minh cho thấy người này nhận thức rõ nạn nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có thể cứu giúp bằng nhiều cách khác nhau nhưng vì ích kỷ, thiếu trách nhiệm nên không thực hiện việc cứu giúp thì sẽ xử lý hình sự về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của đối tượng rất côn đồ, máu lạnh

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của đối tượng rất côn đồ, máu lạnh

Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, cho thấy tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đối tượng gây án sẽ phải chịu mức hình phạt thích đáng của pháp luật. Tuy nhiên, vụ án cũng cho thấy trong xã hội vẫn còn nhiều người có ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Ngoài ra cũng còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm với sinh mệnh của người khác, nhìn thấy người khác gặp nguy hiểm nhưng không cứu giúp.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng này còn thực hiện hành vi cướp tài sản. Như vậy, đối tượng sẽ bị xử lý thêm một tội danh nữa là tội "Cướp tài sản" theo quy định tại Điều 168 (BLHS 2015).

Với hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là giết người và cướp tài sản, hành vi phạm tội đến cùng, có tính chất côn đồ thì đối tượng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Ngoài ra, thông tin xác minh còn cho thấy chồng của Dung còn mang quần áo đi đốt. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của người đàn ông này có biết vợ giết người cướp tài sản hay không để xử lý với vai trò đồng phạm. Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy hai vợ chồng đã bàn bạc, hoặc người chồng có hành vi giúp sức để vợ thực hiện hành vi giết người cướp tài sản thì cả hai vợ chồng đều bị xử lý về hai tội danh này với vai trò đồng phạm. Ngoài ra, nếu không chứng minh được người chồng có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm nhưng có căn cứ cho thấy có hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm thì cũng xử lý theo quy định của pháp luật.

"Để giảm thiểu những vụ án mạng nghiêm trọng, đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện tích cực các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Trong đó có việc tăng cường giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa nhân văn, nhân đạo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ý thức tôn trọng quy tắc cộng đồng. Kịp thời phát hiện, răn đe, xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng có hành vi đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân", Tiến sĩ Cường chia sẻ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

n) Có tính chất côn đồ;

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/trach-nhiem-phap-ly-doi-voi-nguoi-dan-ong-vo-cam-khi-chung-kien-nan-nhan-bi-ke-sat-nhan-dam-gan-100-nhat-dao-17223100309374056.htm