Trách nhiệm pháp lý trong vụ bé gái bị chó cắn tử vong
Theo luật sư, trường hợp để chó cắn chết người, chủ nuôi có thể đối diện với tội danh 'Vô ý làm chết người' và khung hình phạt cao nhất tới 5 năm tù.
Khởi tố chủ nuôi chó
Cơ quan điều tra CA huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phùng Thị Sơn (SN 1987, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường) về tội “Vô ý làm chết người”. Bị can Sơn là chủ của 2 con chó becgie đã cắn bé gái 5 tuổi, khiến nạn nhân tử vong. Đáng chú ý, Sơn cũng là người thân của nạn nhân.
Theo điều tra, khoảng 19h45 ngày 20/11, tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn xảy ra vụ việc cháu P.D.M, (SN 2019) bị 2 con chó becgie của nhà Phùng Thị Sơn cắn dẫn đến bị thương nặng. Ngay sau đó, nạn nhân đã được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường cấp cứu song do thương tích nặng nên cháu M đã tử vong. Được biết, tối 20/11, 2 con chó giống becgie được chủ cho ăn và thả ra để đi vệ sinh, nhưng không rọ mõm. Sau đó, một con chó đã cắn vào cổ nạn nhân dẫn đến mất nhiều máu. Tại CQCA, bị can Phùng Thị Sơn tỏ ra hối hận khi vô ý để xảy ra sự việc nghiêm trọng nêu trên.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, những vụ việc tương tự đã xảy ra trước đó, diễn biến tương tự cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người thích nuôi các loại động vật có tính hung dữ, nguy hiểm cao. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay người dân vẫn khá chủ quan trong việc nuôi, chọn nuôi động vật làm cảnh, làm thú cưng trong nhà đặc biệt là các giống chó.
Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới việc nuôi động vật làm cảnh, thú cưng và cũng có thể sử dụng được trông giữ nhà không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, ít năm trở lại đây tại nước ta, việc chó tấn công con người gây thương tích có trường hợp dẫn đến chết người đang có chiều hướng ra tăng. Để quản lý việc nuôi nhốt động vật, pháp luật có quy định cụ thể tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, việc nuôi động vật trên cạn cụ thể là chó phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, phải có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng nếu vi phạm thì chủ sở hữu chó sẽ bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Khi nào chủ của thú nuôi bị xử lý hình sự?
Trong trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn với chó mèo (như không xích, nhốt, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng...) để chó mèo cắn người gây thương tích cho người khác đến 31 % hoặc gây thiệt mạng cho nạn nhân thì chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích” (trong trường hợp hậu quả nạn nhân bị thương tích) hoặc tội “Vô ý làm chết người” (nếu hậu quả nạn nhân thiệt mạng).
Ngoài ra, trong trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc tỷ lệ thương tích từ 31% trở lên hình phạt sẽ là cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hậu quả nghiêm trọng hơn mức phạt tù có thể lên đến 3 năm. Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, theo đó chủ chó có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, đó là: chi phí hợp lý cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Theo luật sư, thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra các sự việc tương tự về việc chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dẫn tới việc vật nuôi cắn chết người. Các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" hoặc tội danh "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 hoặc Điều 129, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.