Trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng

Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án hồ Cánh Tạng, xã Yên Phú (Lạc Sơn).

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án hồ Cánh Tạng, xã Yên Phú (Lạc Sơn).

Những năm vừa qua, một số cấp ủy đã phát huy vai trò của người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc QCDC trong GPMB, góp phần hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án phục vụ sự phát triển của tỉnh. Theo đó, một số dự án như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo "sức nóng” về thu hút đầu tư của tỉnh; dự án đường 435 (đoạn Bình Thanh (Cao Phong) - Suối Hoa (Tân Lạc) có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các chủ trương, chính sách đền bù, GPMB bảo đảm tiến độ bàn giao cho chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công vượt kế hoạch thông xe trước 4 tháng; dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có khoảng 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng với sự tập trung chỉ đạo, phân công tránh nhiệm cho người đứng đầu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên cơ sở, người có uy tín tuyên truyền, vận động các hộ bị ảnh hưởng chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở, huyện Lạc Sơn đã tổ chức di dời nhà cửa, mồ mả, tài sản, hoa màu, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công theo kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án...

Tuy nhiên, theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy, công tác GPMB các dự án cả trong và ngoài ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ. Toàn tỉnh có 284 dự án đầu tư chưa hoàn thành, trong đó, 211 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai, 98 dự án chậm triển khai do vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB. Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan Nhà nước với Nhân dân ở những địa bàn triển khai dự án còn hạn chế...

Xác định công tác GPMB là điểm nghẽn cần được tháo bỏ để phát triển KT-XH, Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB, cải cách hành chính để thu hút, huy động tốt các nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa kinh tế Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.

BTV Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 114-CV/TU, ngày 29/7/2021 về việc thực hiện QCDC trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các quy định về dân chủ cơ sở và cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”; đồng thời phải thực sự coi trọng công tác dân vận chính quyền trong tất cả các khâu của dự án; nâng cao năng lực, trách nhiệm của Ban chỉ đạo, người đứng đầu trong tiếp xúc, đối thoại thực hiện công tác GPMB…

Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo phải nâng cao năng lực Nhà nước, quản lý chặt chẽ đất đai; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mặt bằng triển khai các dự án đầu tư.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC và các quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức trì trệ, gây khó khăn, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chuyển đổi vị trí công tác khác đối với cán bộ yếu kém về năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền dẫn đến tình trạng xảy ra những vụ việc sai phạm kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân trước khi tiến hành đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn… Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành quy chế GPMB nhằm thống nhất cơ chế, chính sách bồi thường GPMB các dự án đảm bảo dân chủ; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người có đất trong diện thu hồi và các cơ quan liên quan; kịp thời phát hiện, tập trung giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ cấp cơ sở, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, đông người…

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của cán bộ, công chức, gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cản trở, gây ách tắc trong cải cách hành chính, GPMB.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/155803/trach-nhiem-thuc-hien-quy-che-dan-chu-tr111ng-giai-phong-mat-bang.htm