Trách nhiệm từ lá phiếu tín nhiệm…

Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) và lãnh đạo một số cơ quan của tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai. Ảnh: P.HẰNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) và lãnh đạo một số cơ quan của tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai. Ảnh: P.HẰNG

Nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Trong Quy định 96-QĐ/TW nêu rõ trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm: nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm. Người ghi phiếu tín nhiệm phải xác định đây là lá phiếu trách nhiệm với Đảng, với dân chứ không phải là lá phiếu của cá nhân mang cảm tính chủ quan, nên phải thực sự có trách nhiệm trong việc ghi phiếu đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước.

Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3, giữa nhiệm kỳ đại hội.

Lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.

Lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND các cấp bầu.

Lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp.

Đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Trong Quy định 96-QĐ/TW đã nêu 2 tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).

Trong đó có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực phụ trách.

Phiếu tín nhiệm thể hiện 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp

Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, thực tế vừa qua cho thấy, đánh giá cán bộ không chỉ là khâu khó, khâu yếu mà còn chưa thực sự khoa học, thực chất.

Theo Thường trực Ban Bí thư, việc đánh giá cán bộ dựa vào “tín nhiệm” trong bối cảnh hiện nay cũng không phải là cách đánh giá toàn diện, hiệu quả khi có thể những người ít va chạm, chịu khó quan hệ thì lại được “tín nhiệm” cao hơn. Vì vậy, trong đánh giá cần đề cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ rèn luyện theo hướng này. Với cách đánh giá như vừa qua, cán bộ sẽ có tâm lý tròn vo, “nước sông không đụng nước giếng”, “cứ tới thời, tới tuổi thì cũng lên”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là vấn đề mới, trước đây đã có Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị.

Trong quá trình tổng kết Quy định số 262-QĐ/TW, ngoài những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, đó là một bộ phận người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; có biểu hiện lợi ích nhóm, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Do đó, lần này, việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW phải khắc phục triệt để những hạn chế trước đây để đánh giá cán bộ thực chất hơn và đúng hơn.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202302/trach-nhiem-tu-la-phieu-tin-nhiem-3157459/