Trách nhiệm và cẩn trọng với thông tin trên mạng xã hội
Trước sự bùng phát của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hoặc phong tỏa. Chính vì vậy, giao tiếp giữa các cá nhân thông qua mạng xã hội hay các ứng dụng số cũng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội về bản chất, khác với thông tin báo chí ở cơ chế kiểm soát và kiểm duyệt nguồn tin. Vì vậy, mỗi người hãy tiếp nhận thông tin một cách trách nhiệm và cẩn trọng, không lan truyền những thông tin không kiểm chứng.
Sáng, ông anh chat với mình hỏi sao báo chí lại đưa tin dịch bệnh chả giống mạng xã hội thế nhỉ, chú trong nghề thấy thế nào? Mình chỉ biết trả lời rằng, báo chí chỉ đưa tin đúng, và duy nhất. Còn mạng xã hội, có rất nhiều thông tin fake. Đồ giả thì có nhiều. Anh muốn dùng hàng giả hay hàng thật?
Ông anh giận, không tương tác nữa. Tôi thấy mình hơi quá lời, nhưng vui, vì đã làm đúng, chẳng hùa theo cảm xúc nhất thời của anh mình.
Trưa, đang ăn cơm, tin nhắn báo liên hồi. Mở ra xem có tới mấy người cùng nhắn tin, nội dung như nhau, sự hốt hoảng cũng như nhau. Tin rằng: “Vừa họp xong, quyết rồi. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ mở cửa trở lại nhịp sống bình thường sau ngày 15-9, ra đường thoải mái, làm việc thoải mái”.
Vợ tôi cũng thông tin tương tự vì cô ấy cũng tiếp nhận được nguồn tin. Mâm cơm mất ngon, vì con trai lớn nhà tôi đang học ở Thủ đô, nếu nhịp sống bình thường trở lại, thì sinh viên sẽ phải đi học tập trung, mà con tôi thì lại chưa tiêm vắc - xin phòng COVID-19. Vợ tôi thẩn thờ, bỏ bát cơm đứng dậy, nhưng tôi thì vẫn ăn tiếp. Tin bậy ấy mà, tôi chả vội tin. Y như rằng chỉ hôm sau thông tin ấy đã bị báo chí bác bỏ, tôi hỏi vợ thấy thế nào. Vợ cười bảo, có phải mình em đâu.
Cuộc sống với những tiện ích đem đến cho ta nhiều niềm vui cũng lắm nỗi buồn, quan trọng là ta ứng xử với nó như thế nào. Một cái chợ trên mạng sẽ có người này người kia, cứ đi nghe, đi tin, rồi rối lên, thì khác gì câu chuyện đẽo cày trên mạng.
Đúng là dịch bệnh đang làm nhiều thứ mất đi, nhưng thay cho việc hoảng loạn, cả tin dẫn đến bị xúi dục, dụ giỗ xông vào tranh cướp lại, thì hãy bình tĩnh sống.
Có một câu chuyện rất hay kể rằng: Một phú thương, vì thời thế loạn lạc nên muốn về quê sinh sống. Ông đem tất cả gia sản đổi thành chi phiếu rồi cất công chế ra chiếc ô có cán rỗng để nhét tất cả ngân lượng vào trong đó. Trên đường về quê vì mệt nên ông dừng chân tại một ngôi đình và ngủ, khi tỉnh dậy chiếc ô đã bị đánh cắp. Vị phú thương hốt hoảng nhưng rất nhanh đã lấy lại bình tĩnh, ông nhận thức được rằng của cải đã mất đi là có thật, công việc tiếp theo của ông không phải là hốt hoảng la toáng lên, mà phải tìm cách lấy lại được những gì đã mất. Ông quyết định mở một cửa hàng bán ô có tấm biển thông báo: “Đổi ô cũ lấy ô mới, không phải bù thêm tiền”, và ông đã tìm lại được chiếc ô của mình.
Dĩ nhiên đó là một câu chuyện có tính ngụ ngôn. Nhưng ngụ ngôn hay gì đi nữa nó cũng là sản phẩm của xã hội, được đúc kết qua bao thế hệ, bằng nhiều kinh nghiệm sống, được lưu truyền với mong muốn răn đời. Câu chuyện ấy rất đáng để nghe lúc này khi chúng ta đang sống trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Dịch bệnh đang làm cho nhiều người trở nên khó khăn hơn, nên họ muốn thoát ra khỏi sự kiểm soát bằng việc tự nghĩ ra những câu chuyện không có thật để thể hiện khát vọng cá nhân của mình, và thông qua mạng xã hội nhằm gây áp lực với chính quyền. Thế nhưng đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, thậm chí còn trái với đạo đức và pháp luật, góp phần làm hoang mang thêm đời sống xã hội.
Mỗi người cần có trách nhiệm hơn, chấp hành nghiêm những quy định mà chính quyền và cơ quan chức năng đang áp dụng.
Việc chính quyền áp dụng các biện pháp mạnh trước hết và trên hết cũng là vì muốn đem lại cuộc sống bình an lâu dài cho Nhân dân.
Có bình tĩnh sống thì mới nhận thức được rằng, cần phải lắng nghe và tuân thủ nhiều hơn nữa, nghiêm chỉnh hơn nữa những ý kiến, hướng dẫn của các nhà khoa học và cơ quan quản lý. Ai cũng có cái lý của mình, và chính quyền, cơ quan chức năng lúc nào cũng phải đứng về phía cái lý của số đông, chân thực và nghiêm cẩn.
Người đứng ở góc nào thì chỉ nhìn được ở góc đó, còn chính quyền với một hệ thống cơ quan tham mưu, giúp việc, có sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ở các cơ quan chuyên môn, đã lắng nghe, đã khảo sát, nên khi quyết định điều gì đều phải đánh giá, dựa vào lợi ích của đa số, đảm bảo một cách lâu dài, chứ không phải chỉ là câu chuyện bốc đồng, cảm tính.
Vậy nên, mỗi người hãy cẩn trọng với những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội. Phải nhìn rõ ra rằng, những thông tin về cách đối phó với dịch bệnh, thông tin về công tác quản lý đăng tải trên báo chí và phát ngôn từ cơ quan y tế, cơ quan chức năng mới là những nguồn tin đáng tin cậy nhất. Họ đang đem đến cho chúng ta cách để lấy lại thứ đã mất, như vị phú thương kia đã làm để lấy được chiếc ô của mình.
Chả phải thế sao?