Trách nhiệm với cộng đồng
Dù không mong muốn nhưng đợt dịch Covid-19 này chính là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm với cộng đồng một cách toàn diện nhất.
Vừa qua, chị Vũ Thị Tình, nhân viên của Trạm Y tế xã Văn Tố (Tứ Kỳ) bị tai nạn giao thông dẫn tới tử vong khi đang trên đường từ điểm trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 về nhà khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Một lần nữa, câu chuyện về thanh niên tình nguyện Hoàng Văn Tuấn ở phường Hoàng Tân (TP Chí Linh) xung phong đi chống dịch cũng bị tai nạn rồi thiệt mạng vào tháng 4.2020 cũng được nhắc lại với niềm tiếc thương và suy nghĩ về trách nhiệm với cộng đồng.
Hai con người, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng vì cộng đồng. Dù điều kiện gia đình còn khó khăn song họ vẫn gác lại những lo toan cũng như lợi ích cá nhân để cùng chung sức chống dịch. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, và lần thứ 3 này khi Hải Dương là tâm dịch thì không một ai có thể đứng ngoài cuộc. Từ lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm miệt mài chống dịch đến những con người ở hậu phương cũng nỗ lực bằng hết khả năng của mình để khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Có những cụ già đã gần đất xa trời hay những trẻ em còn chưa hiểu hết về dịch bệnh cũng mong muốn đóng góp những gì có thể để cùng chống dịch. Không chỉ là những hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà việc nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng chống dịch cũng là cách để mỗi người thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thế nhưng ở đâu đó vẫn có số ít người nghĩ rằng “chắc dịch bệnh chừa mình ra”.
Khi toàn tỉnh đang căng mình, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 để ổn định lại cuộc sống thì có những tổ chức, cá nhân vẫn chủ quan, thậm chí thờ ơ. Những hành vi ra đường khi không cần thiết, trốn khai báo y tế, kinh doanh mặt hàng không thiết yếu… của không ít người đã ảnh hưởng tới nỗ lực của cả tỉnh. Dẫu biết rằng ai cũng có nỗi niềm riêng song trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì mọi thứ đều là ngụy biện. Mặc dù các vi phạm đã bị xử phạt nghiêm nhưng có những trường hợp vẫn cần phải có bản án tinh thần thích đáng. Khai báo gian dối dẫn tới ca chùm lây nhiễm mà không xác định được nguồn lây đã có lúc khiến việc chống dịch tưởng chừng đi vào bế tắc. Đáng buồn hơn, có trường hợp là giáo viên, nhân viên ngân hàng, trưởng phòng của một sở, là những người có hiểu biết, có kiến thức nhưng lại trốn khai báo y tế. Rồi khi mọi người chung tay hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ nông sản thì vẫn có kẻ lợi dụng điều này để mưu lợi riêng.
Dịch bệnh ập đến mang theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống là điều không ai mong muốn. Nhiều người đã sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, bỏ thời gian, công sức, thậm chí là tính mạng để chiến đấu với dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có không ít người ích kỷ, chỉ vì những tính toán cá nhân làm ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Trong cuộc chiến với bệnh truyền nhiễm, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì mới có thể nhanh chóng dập dịch. Vì thế mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đồng bằng những việc làm nhỏ nhất.
Dù không mong muốn nhưng đợt dịch Covid-19 này chính là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm với cộng đồng một cách toàn diện nhất. Chỉ có sức mạnh cộng đồng mới có thể nhanh chóng dập được dịch và nguồn sức mạnh đó phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-voi-cong-dong-160357