Trách nhiệm với nguồn vốn ODA

Câu chuyện giải ngân vốn ODA chậm chạp tiếp tục trở thành một tâm điểm dư luận và truyền thông.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong nhiều năm qua, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã góp phần giúp Việt Nam ra khỏi nhóm nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các nước viện trợ, các đối tác phát triển đã dành cho Việt Nam qua những khoản ODA quý báu.

Nhưng bắt đầu từ thời điểm Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào tháng 7/2017, vốn ODA không còn là nguồn ưu đãi, mà là những khoản vay với lãi suất thương mại, dựa trên đàm phán, thỏa thuận, thì cần phải xem xét rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là những điều kiện đi kèm, thường rất nhiều trong các dự án ODA. Vì thế, việc tiếp tục vay và sử dụng nguồn vốn này ra sao là bài toán cần tính kỹ, để đem lại hiệu quả lớn nhất cho phát triển.

Tuy nhiên, một lần nữa việc sử dụng, giải ngân nguồn ODA lại chậm và nó được ví như một căn bệnh. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch được giao. Đây là kết quả khá khiêm tốn sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.

Tình trạng giải ngân chậm kéo dài dai dẳng và “căn bệnh” càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm vốn như: chậm giải phóng mặt bằng, khác biệt về quản lý hợp đồng giữa Việt Nam với nhà tài trợ nước ngoài, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư mất nhiều thời gian, không có khối lượng hoàn thành để giải ngân...

Nhưng, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi, cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào.

Đáng chú ý, từ việc giải ngân chậm sẽ làm tăng chi phí, không tận dụng được ích lợi của dự án mà chúng ta vay ưu đãi. Tính trung bình, nếu dự án chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.

Chuyên gia ADB cảnh báo: “Việc chậm giải ngân vốn ODA gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, khiến Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; chi phí quản lý dự án tăng lên theo thời gian; các tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn uy tín của Việt Nam.”

Tương tự, “giải ngân chậm làm mất đi các cơ hội phát triển cho Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, để giữ được nợ công ở ngưỡng 65% GDP thì vấn đề giải ngân vốn ODA có ảnh hưởng không nhỏ”, Chuyên gia AFD tại Việt Nam lưu ý.

Đây là những cảnh báo rất nghiêm trọng. Nó cho thấy, tính bình quân, một dự án ODA của Việt Nam sau 5 năm đã đắt gấp đối so với dự toán ban đầu. Hay nói cách khác, Việt Nam đã mất đi một con đường, một cây cầu có trị giá đúng bằng con đường, cây cầu đó nếu xây dựng chậm tiến độ mất 5 năm.

Cảnh báo đó, tiếc thay, đã trở nên hiện thực rõ ràng, sinh động và không thể chối bỏ khi soi vào những dự án đội gấp hai, gấp ba lần, gấp gấp nhiều lần. Tệ hơn, khi chúng ta sử dụng, bố trí nguồn ODA không hiệu quả thì vô tình khiến nguồn ODA trở thành cái “bẫy”. Hãy nhìn một số dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất chậm tiến độ, đội vốn… sẽ thấy rõ.

Ngoài ra, vẫn còn những dự án đầu tư không hiệu quả. Chúng ta dễ bắt gặp những công trình nước sạch, xử lý môi trường… xây đấy rồi bỏ không, để lãng phí, thậm chí là bị “đội giá”, giống câu chuyện nhà vệ sinh ở một trường tiểu học có kinh phí xây dựng cả tỷ đồng vẫn còn xảy ra ở địa phương…v..v.

Thực tế trên cho ta thấy một vấn đề được đặt ra ở đây đó là: Cái giá của nguồn vốn ODA tuy ưu đãi nhưng giá rất “chat” nếu chúng ta sử dụng không hiệu quả. Vậy ai là người trả giá thật sự cho cho cái giá của sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn ODA, nếu không phải những người đóng thuế?

Có thể nói, với nhu cầu tăng tốc kinh tế giai đoạn này, có thể thấy các nguồn vốn rẻ - trong đó có ODA vẫn là lựa chọn tốt cho phát triển. ODA sẽ là “bánh”, hay là “bẫy” của nền kinh tế trong trung hạn, phụ thuộc vào cách nhìn nhận trong đàm phán, ký kết hợp đồng vay vốn, cách sử dụng nguồn vốn này ra sao

Để chấn chỉnh “căn bệnh” chậm giải ngân vốn ODA này, tại Công điện số 307/CĐ-TTg (ngày 8/4/2022), Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới; rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022.

Do đó, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp phân bổ, giải ngân. Đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án.

Chỉ đạo của Chính phủ đã rõ, việc còn lại là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, ngành, để việc giải ngân vốn ODA đạt kết quả tích cực trong thời gian tới.

Theo Thiên Ân/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trach-nhiem-voi-nguon-von-oda-349968.html