Trách nhiệm với nước sạch

Vụ đổ trộm dầu thải ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) làm nguồn nước sạch của Nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm, cuộc sống của nhiều người dân TP Hà Nội bị ảnh hưởng.

Từ sự cố này, người dân trong tỉnh cũng không khỏi lo lắng về cách quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước sạch mà mình đang dùng hiện nay. Sẽ ra sao nếu nguồn cung cấp nước sạch không được kiểm soát, bảo vệ tốt?

Mới đây, nhiều hộ dân xã Trùng Khánh (Gia Lộc) đã phải nhờ báo chí lên tiếng về tình trạng chất lượng nước sạch ở đây không tốt. Các hộ phải bỏ tiền ra mua nước sạch nhưng lại phải dùng nước có cặn, thậm chí gây mẩn ngứa khi tắm.

Mặc dù sự việc đã được cơ quan báo chí nêu nhưng đến nay người dân vẫn phải sử dụng nước chưa bảo đảm chất lượng để ăn uống, sinh hoạt.

Cách đây chưa lâu, đường ống nước sạch ở xã Liên Hòa (Kim Thành) liên tục bị phá hoại làm nhiều hộ mất nước. Người dân lo lắng nếu đường ống tiếp tục bị phá, không may kẻ xấu cho chất gì đó vào nước thì sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất nước sạch trong tỉnh đang dùng nguồn nước mặt để xử lý, trong khi nguồn nước này đang bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và các nhà máy thải ra chưa qua xử lý. Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã từng gửi công văn báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng vi phạm vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước mặt phục vụ sinh hoạt tại các chi nhánh sản xuất nước sạch do đơn vị này quản lý.

Câu chuyện nước sinh hoạt nhiễm dầu ở Hà Nội và tình trạng nước sạch ở một số nơi trong tỉnh không bảo đảm chất lượng như hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm cũng như vai trò của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước.

Nước được người dân sử dụng hằng ngày phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, chất lượng nước phải bảo đảm ở cả đầu vào lẫn khâu xử lý. Để làm được điều này cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng chứ không phải là việc của riêng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Chính quyền các địa phương cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, làng nghề, không để ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của các nhà máy sản xuất nước sạch.

Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm không chỉ ở các doanh nghiệp mà còn tại vị trí lấy nước đầu vào sản xuất nước sạch nhằm xử lý kịp thời. Cùng với ngành tài nguyên và môi trường, chính quyền các địa phương cũng phải quan tâm giám sát ô nhiễm nguồn nước.

Các doanh nghiệp cung cấp nước sạch cần đầu tư máy móc hiện đại và thường xuyên lấy mẫu đánh giá chất lượng nước trước khi đưa đến hộ dân. Người dân mất tiền mua nước sạch nhưng không vì thế mà vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với nguồn nước mình đang sử dụng. Nếu cứ vô tư xả rác, nước thải xuống sông; sử dụng nước không tiết kiệm thì chẳng mấy chốc sẽ thiếu nguồn nước sạch để dùng.

Đến nay, hầu hết các hộ dân trong tỉnh đã có nước sạch để dùng. Việc nâng cao trách nhiệm đối với nguồn nước sạch sử dụng hằng ngày luôn quan trọng và cần thiết.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-voi-nuoc-sach-119298