Trách nhiệm xã hội!

Câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được dư luận quan tâm. Để thể hiện trách nhiệm ấy, doanh nghiệp cần làm gì?

Tôi có đứa cháu họ xa, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về được xã cho thuê mấy ha đất làm trang trại. Khởi nghiệp sau nên nó phải chấp nhận phần đất ở xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, việc vận chuyển vật tư vào trang trại, nông sản ra thị trường đều khó. Trang trại của nó được dự báo là sẽ không nhiều hoa lợi, nhưng nó vẫn rất vui vẻ.

Lần về làng, vào chơi, nó phấn khởi ra mặt, đưa tôi đi thăm một vòng trang trại. Chỗ nào cũng cho thấy tầm nhìn của chủ nhân, trong đó có vấn đề mà rất nhiều người ở làng không để ý, đó là hệ thống xả thải.

Nhiều người làm trang trại ở quê tôi thường đầu tư lớn cho hệ thống tưới cây, làm mát chuồng trại… nhưng lại rất thờ ơ với việc xả thải. Họ lý sự rằng, phân lợn, phân bò chảy xuống ruộng thì càng tốt cây, tốt cá, chứ lo gì.

Tôi biết những chủ nhân của trang trại không thể vô tư để làm điều đó. Họ phải có những chi phí để được bỏ qua việc đánh giá tác động môi trường. Nhưng họ đã chọn cách chi phí thấp hơn những chi phí chính thức như đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Cháu tôi đã không chọn cách ấy, bởi nó quan niệm rằng việc đầu tư bài bản và làm ăn tử tế bao giờ cũng vất vả hơn, nhưng thường có hậu hơn.

Nó viện dẫn những cơ sở sản xuất xả thải chưa qua xử lý ra môi trường bị phạt số tiền rất lớn và kết luận rằng đó là những người thiếu trách nhiệm với xã hội. Nó tin rằng, cơ sở sản xuất dù lớn hay bé, nếu chọn đúng hướng đi và có một triết lý vì cộng đồng thì trước sau gì cũng sẽ đón nhận quả ngọt. Nó đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu doanh nghiệp làm ăn chụp giật mà phát triển bền vững cả. Trách nhiệm với xã hội không có nghĩa là anh làm ăn bằng mọi giá để giàu có, rồi bỏ ra số tiền nào đó để ủng hộ địa phương, ủng hộ những người yếu thế, ồn ào trên truyền thông. Như thế cũng tốt, nhưng chỉ là sự che mắt cho hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc là trách nhiệm với xã hội một cách hình thức.

Trách nhiệm với xã hội theo suy nghĩ của nó trên hết phải là sự cam kết nghĩa vụ sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định pháp luật. Ô nhiễm môi trường là vấn đề mà cả xã hội đang lo lắng, nếu mình tiếp tục gia tăng gánh nặng ấy cho xã hội, chính là mình đang đi ngược lại lợi ích của số đông. Như thế có thể gọi là trách nhiệm với xã hội được hay không? Đành rằng, việc đóng góp cho ngân sách là rất quan trọng, nhưng doanh nghiệp vi phạm về môi trường, thì những đồng tiền mà doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách liệu có đủ để giải quyết hậu quả? Sản xuất tuân thủ quy định pháp luật chính là trách nhiệm cao nhất với xã hội. Cháu nói với tôi điều đó cũng chính là sự cam kết với chính mình.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trach-nhiem-xa-hoi/169513.htm