Trái cây ế, nhà vườn thiệt hại kép
Năm nay nhiều nhà vườn ở ĐBSCL bị thiệt hại kép do mất mùa, mất giá, trong khi tình hình tiêu thụ trái cây rất ảm đạm
Xuất khẩu trái cây 5 tháng đầu năm sụt giảm mạnh do tác động của Covid-19. Trong khi đó, lượng hàng về chợ đầu mối lớn nhất TP HCM giảm đến 22% do sức mua yếu.
Hạn mặn lịch sử
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, một hộ trồng chôm chôm tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, than thở: "Xã này chưa bao giờ có nước mặn vào, vậy mà năm nay, nước nhiễm mặn 3‰-4‰ đã xuất hiện trong kênh mương. Do thiếu nước ngọt, tôi phải bơm nước dưới mương lên tưới làm cây chôm chôm bị cháy và rụng lá. Đợt thu hoạch vừa rồi, năng suất giảm đến 50%, cộng thêm năm nay giá chôm chôm rớt còn 6.000 đồng/kg, giảm gần 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ nên lỗ nặng".
Theo UBND xã Bình Hòa Phước, tính đến tháng 5, ước tính diện tích bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn lên đến 478 ha. Trong đó, sầu riêng bị ảnh hưởng trên 28 ha, chôm chôm trên 379 ha và nhãn trên 70 ha; khoảng 95% diện tích thiệt hại về năng suất, sản lượng giảm mạnh, ước tổng thiệt hại hơn 11 tỉ đồng.
Tương tự, tại cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), nhà vườn trồng chôm chôm cũng đang bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của hạn, mặn. Thống kê của UBND xã An Phú Tân cho thấy khoảng 250 ha cây ăn trái tại cù lao này bị ảnh hưởng hạn mặn, chủ yếu là cây chôm chôm. "Nhà tôi có 1 ha trồng chôm chôm, đến vụ cho trái nhưng do lấy nước mặn tưới, rồi thêm sương muối làm cây rụng trái, cháy lá và chết dần. Năm nay ở đây, ai trồng chôm chôm cũng điêu đứng" - anh Nguyễn Văn Trí, một hộ dân trồng chôm chôm tại cù lao Tân Quy, buồn rầu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, toàn huyện hiện có khoảng 1.600 ha trồng cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm… bị thiệt hại do nước mặn tràn vào. Trong đó, hơn 240 ha cây ăn trái bị thiệt hại hoàn toàn, 720 ha thiệt hại từ 50%-70%, 240 ha thiệt hại 30%-50%; gần 400 ha thiệt hại dưới 30%... Ông Nguyễn Văn Tuân (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Hạn, mặn năm nay khốc liệt quá khiến hàng loạt cây sầu riêng 15 năm tuổi trong vườn chết dần, năng suất giảm. Trong khi trước đây, mỗi cây có thể cho khoảng 120 trái/năm, với giá bán từ 55.000-60.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 20 triệu đồng/cây".
Sức mua yếu, giá rẻ
Ghi nhận tại TP HCM những ngày gần đây, các loại trái cây như vải, mận, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, xoài, nhãn… được bán nhiều và rẻ hơn mọi năm. Ngay cả dưa lưới, loại quả trồng trong nhà lưới, thường được phân phối trong cửa hàng, siêu thị thì nay cũng tràn ra vỉa hè để bán cho khách đi đường. Dọc đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), nhãn giá 20.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 50.000 đồng/3 kg, dưa lưới 30.000 đồng/kg, bòn bon Việt Nam 20.000 đồng/kg nhưng rất vắng khách mua. Tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), xoài cát Hòa Lộc giá chỉ 25.000 đồng/kg, sầu riêng từ 50.000-70.000 đồng/kg, trái vải từ 30.000-40.000 đồng/kg, mức giá này chỉ bằng 50%-70% những năm trước.
Theo ông Nguyễn Minh Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn (TP HCM), chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao - chưa có năm nào loại quả này bán chậm như năm nay. "Sức mua rất yếu, trong khi các loại trái cây đang vào mùa thu hoạch nên kéo giá tất cả mặt hàng cùng giảm. Những nhà trồng dưa lưới có thương hiệu, cung cấp qua kênh phân phối hiện đại thì đỡ lo hơn nhưng giá cũng giảm 10%-20% và phải tăng khuyến mãi, hỗ trợ đổi trả nhiều hơn so với bình thường. Những nơi mới trồng, chất lượng dưa lưới chưa ổn định, chưa có nơi tiêu thụ thì khó khăn hơn" - ông Nhân nhìn nhận.
Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết đang vào mùa trái cây nhưng lượng hàng về chợ không nhiều vì sức mua yếu. Mỗi ngày chỉ khoảng 1.400 tấn trái cây về chợ, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 400 tấn/ngày. Trái vải miền Bắc vào mùa, gần đây về chợ khoảng 320 tấn/ngày, chỉ bằng một nửa mọi năm do giá bán tại phía Nam quá thấp, giá sỉ chỉ khoảng 25.000 đồng/kg nên thương lái giảm lượng hàng đưa vào.
Không chỉ trái vải, mặt bằng giá trái cây chung năm nay khá thấp, giảm mạnh là sầu riêng và xoài do không xuất khẩu được. "Ngoài ra, chất lượng trái cây năm nay không bằng mọi năm, đặc biệt là nguồn hàng tại miền Tây do bị hạn mặn, thiếu nước tưới. Trong chợ, nhiều sạp chuyên bưởi da xanh không có hàng bán vì vùng trồng chính tại Bến Tre nhiễm mặn nặng, mất mùa bưởi" - đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức thông tin.
Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho rằng mọi năm, khi giá sầu riêng thấp do không xuất khẩu trái tươi sang Trung Quốc được, công ty thường thu mua để cấp đông, lưu kho xuất khẩu dần. Tuy nhiên, năm nay chất lượng sầu riêng miền Tây giảm nên các công ty xuất khẩu sầu riêng cấp đông không thu mua khiến giá mặt hàng này xuống thấp hơn hẳn mọi năm.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/trai-cay-e-nha-vuon-thiet-hai-kep-20200603211202427.htm