Trái cây nào có thể phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở?

Một số loại trái cây quá chín hoặc giàu tinh bột sau một khoảng thời gian lượng đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu.

Trên mạng xã hội đang truyền tay nhau danh sách một số thực phẩm, hoa quả có thể có nồng độ cồn, không nên ăn trước khi lái xe. Theo đó một số loại quả nhiều đường và tinh bột như hồng xiêm, sầu riêng, vải, nho… Thậm chí là một số nước trái cây lên men, siro ho cũng được truyền tai nhau nên tránh.

Một số trái cây khi chín như vải có thể phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở. Ảnh: Hạ Quyên

Một số trái cây khi chín như vải có thể phát sinh nồng độ cồn trong hơi thở. Ảnh: Hạ Quyên

Vậy tại sao ăn những loại trái cây trên lại chứa nồng độ cồn?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết những loại quả chín quá mức hoặc có hàm lượng tinh bột cao sau một khoảng thời gian, lượng đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu. Quy trình để hoa quả trở thành một sản phẩm chứa cồn là: tinh bột - đường - enzym lên men - rượu - axit.

Theo đó nhiều loại trái cây như nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, hồng xiêm… thậm chí một số loại siro ho, khi lên men, chúng ta ăn vào cũng có hiện tượng chứa cồn.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, với những quả đã lên men, rất dễ nhận ra thông qua vị giác. Bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua. Vì thế những người nào ăn quả chín quá mức lên men biến thành rượu thì người đó đã tiêu thụ sản phẩm có cồn. Dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo có nồng độ cồn trong khoang miệng.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/trai-cay-nao-co-the-phat-sinh-nong-do-con-trong-hoi-tho-post720972.html