Trái cây sẵn sàng ra chợ Tết

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, thời điểm này cùng với các dịch vụ khác, các nhà vườn đang chạy đua với thời gian, tất bật chăm sóc, thu hái các loại quả phục vụ nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết. Hàng hoa quả cần có độ tươi mới nên từ 26 tháng Chạp trở đi, các loại quả này mới nhộn nhịp người mua, bán. Nhiều loại quả đã được thương lái đặt cọc từ trước, chỉ chờ đến ngày thu hoạch. Ai cũng mong mang đến thị trường những mặt hàng đẹp nhất với giá tốt.

Vàng ươm những quả bưởi thờ

Đã thành nét đẹp đầu năm mới, mỗi gia đình đều sắm sửa đồ lễ để dâng cúng gia tiên. Trong phong tục thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết lúc nào cũng có một mâm ngũ quả. Nhất là sau nhiều năm khó khăn bởi dịch Covid-19, nhu cầu sắm lễ của người dân tăng cao, mâm cúng lễ không chỉ đủ đầy mà còn phải đẹp mắt. Những loại quả truyền thống mang nhiều ý nghĩa như quả bưởi được tìm mua nhiều.

Nắm được thị hiếu của khách khách hàng, anh Hải Nam (thôn Tân Văn 1, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên) đã chủ động nguồn bưởi Tết để phục vụ các “thượng đế”.

Khu đất với 3 vạt đồi rộng hơn 2 ha của gia đình anh Nam lúc lỉu bưởi chín vàng ươm. Đây đều là những quả bưởi có mã đẹp với dáng tròn trịa, vỏ quả chín vàng. Vườn bưởi này đã được trồng từ 5 - 6 năm trước. Ngoài loại bưởi được bán ăn thường ngày, dịp này nhà vườn còn xuất bán bưởi để người dân mua về thờ cúng.

Anh Nam cho biết: Bưởi được thu hái từ khoảng tháng 12 dương lịch. Gia đình tôi cắt tỉa những quả bưởi hàng nhỏ, mã xấu để bán trước, còn những quả bưởi có dáng và màu đẹp, cuống lá đầy đủ sẽ được giữ lại để bán vào dịp tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân.

Giống bưởi mà gia đình anh Nam trồng là bưởi Diễn, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Do đó, bưởi có màu vàng sáng, không bị nám, quả chắc, lá và cành tươi xanh, bưởi có hương thơm nhẹ. Đặc biệt, với cách chăm sóc này, quả sẽ tươi lâu, phù hợp với nhu cầu bày lễ trong những ngày Tết của các gia đình.

Anh Nam thu hái bưởi phục vụ bày, thờ cúng dịp tết Nguyên đán.

Anh Nam thu hái bưởi phục vụ bày, thờ cúng dịp tết Nguyên đán.

Với những lợi thế đó, bưởi của gia đình anh Nam luôn “đắt” khách, có thương lái đến tận vườn thu mua. Nhiều thương lái còn đặt tiền trước, chờ đến gần Tết mới thu hái. Anh Nam cho biết, bán tại vườn dù không được giá cao như bán trực tiếp tại chợ nhưng được cái thuận tiện, nhanh. Gia đình anh nhờ đó có thêm thời gian để làm cỏ, chăm sóc cây và chuẩn bị đất trồng thêm lứa bưởi mới, mở rộng diện tích bưởi của gia đình.

Tất bật thu hoạch quả phật thủ

Mới sáng sớm, vườn phật thủ rộng gần 1 ha của gia đình anh Hoàng Việt Dũng ở thôn Tân An 1, xã Tân An (huyện Văn Bàn) đã đông khách xem hàng. Người mua lẻ có, thương lái có, họ đến để tham quan, lựa chọn và mua phật thủ tại vườn.

“Nếu như ngày thường, gia đình tôi chỉ cần 2 người thu hoạch thì dịp cận Tết do khách mua đông nên cần đến 5 nhân công tất bật từ sáng đến tối”, anh Dũng nói.

Những quả phật thủ càng to càng được săn lùng và bán chạy trong dịp Tết. Những khách sành mua thường chọn quả to, nhiều tầng, “ngón tay” dài, vươn rộng với ý nghĩa mang đến sự phát tài, sung túc, may mắn trong năm mới.

Anh Dũng cho biết, mỗi dịp Tết đến, xuân về là dịp gia đình bận rộn nhất vì lúc này việc tiêu thụ quả phật thủ rất sôi động. Năm nay, các loại quả to, nhiều "ngón" vẫn là lựa chọn của nhiều khách hàng. Tùy mẫu mã, trọng lượng mà quả phật thủ có giá dao động từ 50 nghìn đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí có những quả to, đẹp, độc lạ có giá lên đến hàng triệu đồng vẫn được các thương lái và khách hàng săn đón, đặt mua từ sớm.

Anh Hoàng Việt Dũng chăm sóc phật thủ.

Anh Hoàng Việt Dũng chăm sóc phật thủ.

Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình anh Dũng mất rất nhiều thời gian chăm sóc và có những lứa quả không thành công. Đến nay, qua 9 năm tích lũy kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây phật thủ, gia đình anh đã có doanh thu khoảng 500 triệu đồng mỗi dịp Tết.

Tại khu vườn bên cạnh, bà Hoàng Thị Hải Yến cũng đang tất bật thu hoạch quả phật thủ gửi cho khách Hà Nội. Là hộ trồng phật thủ đầu tiên tại xã Tân An từ 10 năm trước, mỗi năm gia đình bà Yến đầu tư hàng trăm triệu đồng để chăm sóc, mở rộng vườn. Năm nay, nhà vườn dự kiến thu hái khoảng 10.000 quả. Quả phật thủ của Tân An nói chung và gia đình bà nói riêng đã có thương hiệu vì độ bền, màu sắc đẹp, mùi hương thơm và được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.

Bà Yến chia sẻ: Thời gian đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn bởi không có kiến thức, kỹ thuật chăm sóc loại cây “khó tính” này. Để chăm cây phật thủ cần đến sự tỉ mỉ, hơn nữa loại cây này phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí hậu. Để có quả đẹp phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp lễ, Tết, người trồng phải canh thời điểm vít cành, bón phân đúng kỹ thuật thì quả mới nhiều và đẹp mã. Một quả phật thủ đẹp phải có dáng to, tròn trái, các ngón của quả phải đều, nhiều ngón, ngón to và nhô lên, đường kính lớn. Giá mỗi quả phật thủ dịp giáp Tết dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Các nhà vườn tất bật thu hoạch quả phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Các nhà vườn tất bật thu hoạch quả phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có gần 3 ha trồng phật thủ, mỗi ha cho thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, đây là loại cây trồng không phải địa phương nào cũng phát triển được nên chúng tôi đang vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây phật thủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập.

Theo tín ngưỡng của người Việt, trên ban thờ ngày Tết, ngoài bát nhang, chén nước, mâm cơm, bình hoa… lúc nào cũng phải có một mâm ngũ quả sung túc. Do đó, không chỉ có bưởi, phật thủ, các nhà vườn khác trồng chuối, đu đủ, quất, cam... ở khắp các địa phương trong tỉnh cũng đang tất bật thu hái mùa quả ngọt. Các loại trái cây trưng Tết đã sẵn sàng lên mâm ngũ quả.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363976-trai-cay-san-sang-ra-cho-tet