Văn học thiếu nhi nước ngoài ở Việt Nam: Gợi mở những chân trời

Những năm gần đây, văn học thiếu nhi nước ngoài được lựa chọn, dịch và xuất bản ở Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn học thiếu nhi nước nhà. Những tác phẩm được dịch trở thành cầu nối, giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa văn học Việt Nam và thế giới. Quan trọng hơn, mảng văn học này đã có những ảnh hưởng quan trọng đến sự vận động và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Một số tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Một số tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: BÍCH DUYÊN

Bức tranh đa sắc

Bên cạnh những tác phẩm văn học dịch quen thuộc tiếp tục được tái bản, văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch ở Việt Nam rất đa dạng về thể loại, nền văn học, đề tài, phương thức thể hiện…, tạo nên một bức tranh văn học thiếu nhi dịch đầy màu sắc và vô cùng hấp dẫn.

Thể loại truyện dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết…) từ lâu đã được xem là một bộ phận của văn học thiếu nhi. Do vậy, thế giới truyện cổ từ các quốc gia thường được lựa chọn giới thiệu đến bạn đọc thiếu nhi Việt Nam như Thần thoại Hy Lạp, Truyện cổ Ấn Độ, Thần thoại Trung Quốc, Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen… Để mở rộng vốn hiểu biết về nhiều nền văn học, văn hóa dân gian khác nhau trên thế giới, truyện cổ ở các quốc gia, khu vực trước đây ít được biết đến, nay cũng xuất hiện trên thị trường như Thần thoại Bắc Âu, Thần thoại Bắc Á…

Với thể loại hiện đại như truyện dài, tự truyện, số lượng tác phẩm được dịch ngày càng tăng nhanh. Nhiều năm qua, các tác phẩm như Harry Porter, Hoàng tử bé, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Phù thủy xứ OZ, Totto-chan bên cửa sổ, Cây cam ngọt của tôi, Charlott và Wilbur… đã không còn xa lạ với bạn đọc thiếu nhi Việt Nam. Đặc biệt, hiện tượng Harry Potter khi đến Việt Nam cũng gây nên cơn sốt như ở các quốc gia khác nơi tác phẩm này xuất hiện. Đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam lẫn thế giới, vẫn chưa có tác phẩm văn học thiếu nhi nào vượt qua được thành tích của bộ truyện này. Năm 2021 vừa qua, tác phẩm Cây cam ngọt của tôi cũng có thành tích ấn tượng khi liên tục được tái bản tại Việt Nam.

Văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch ở Việt Nam rất đa dạng về đề tài, như về đời sống thường nhật của trẻ em (Pipi tất dài, Nhật ký ngốc xít, Lại chuyện thằng nhóc Emil, Những đứa trẻ đường tàu, Chiến binh cầu vồng…), đời sống của loài vật (Charlot và Wilbur, Mái ấm chốn rừng sâu, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Cáo Pax…), phiêu lưu và trưởng thành (Bồ câu bay đi tìm bà, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn…), trẻ em và giáo dục (Totto-chan bên cửa sổ, Cây cam ngọt của tôi…). Thậm chí, các đề tài về trẻ em và chiến tranh như Chú bé mang pyjama sọc cũng được chọn dịch.

Ngoài ra, diện mạo văn học thiếu nhi nước ngoài còn cho thấy sự đa sắc khi ngày càng nhiều tác phẩm đến từ các quốc gia khác nhau được đến với bạn đọc Việt Nam, chẳng hạn như các tác phẩm Người bà tài giỏi vùng Saga (Nhật Bản), Bố con cá gai (Hàn Quốc), Chiến binh cầu vồng (Indonesia), Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Chile), Cây cam ngọt của tôi (Brazil)…

Có thể nói, bức tranh đa sắc của văn học thiếu nhi nước ngoài tại Việt Nam là kết quả của sự hội nhập văn hóa mạnh mẽ, sâu rộng và của những nỗ lực tìm tòi những chân trời văn học mới cho bạn đọc cũng như người sáng tác của những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nước nhà. Nhìn chung, dù thuộc đề tài gì, thể loại nào hay đến từ quốc gia nào, các tác phẩm văn học nước ngoài được chọn dịch hầu hết là những tác phẩm được đảm bảo về mặt chất lượng. Do vậy, văn học thiếu nhi nước ngoài ở Việt Nam đã thực sự mở ra những chân trời mới, có những tác động tích cực đến đời sống của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Mở ra những chân trời

Văn học thiếu nhi nước ngoài ở Việt Nam là chiếc cầu giao lưu, kết nối văn học, văn hóa Việt Nam và thế giới. Mảng văn học này cũng có những ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần và đời sống văn học thiếu nhi Việt Nam. Trước hết, văn học dịch góp phần làm phong phú thị trường sách thiếu nhi. Người đọc có được nhiều sự lựa chọn hơn khi quyết định đọc hay mua sách. Các tác phẩm dịch thường thu hút bạn đọc vì tính mới lạ, hấp dẫn, và đáng tin cậy về chất lượng. Với những tác phẩm như vậy, người đọc ít khi thất vọng. Việc kích cầu sức đọc và sức mua sách văn học thiếu nhi như vậy tạo được không khí sôi động, phấn khởi cho thị trường sách thiếu nhi, đồng thời góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam.

Văn học thiếu nhi nước ngoài cũng mang đến cho văn học thiếu nhi trong nước một làn gió mới, khi thế giới được kiến tạo trong các tác phẩm không chỉ mới lạ về bối cảnh thiên nhiên, sinh hoạt mà còn ở cách xây dựng nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật, cách ứng xử và cách khơi gợi những bài học giáo dục. Nếu như trước đây, nhân vật trẻ em trong văn học thiếu nhi Việt Nam thường là những cô bé, cậu bé chăm ngoan thì các cô bé, cậu bé trong tác phẩm dịch Pipi tất dài, Lại thằng nhóc Emil, Chuyện của nhóc Nicolas… đều là những nhân vật thiếu nhi có cá tính, nghịch ngợm, có chủ kiến độc đáo, sáng tạo.

Những nhân vật thiếu nhi đó đã gợi ý cho người viết về cách xây dựng nhân vật trẻ em trong các tác phẩm của mình khác với những hình mẫu truyền thống. Không dừng lại ở gợi ý về kiểu nhân vật, văn học dịch còn mở ra những suy tư về đề tài và cả cách viết. Các tác phẩm thuộc thể loại kỳ ảo như Harry Potter đã khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả viết về thể loại vốn không được quan tâm nhiều trong văn học thiếu nhi Việt Nam giai đoạn trước hội nhập. Ở khía cạnh này, chính văn học dịch đã thực sự là nguồn tài liệu tham khảo phong phú, dồi dào cho các nhà văn Việt Nam trên hành trình đổi mới, sáng tạo.

Thúc đẩy sự sáng tạo

Sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi nước ngoài trên thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Điều này, nhìn một cách tích cực, là động lực buộc đội ngũ nhà văn phải nỗ lực giành lại chỗ đứng ngay trên chính sân nhà. Đó không chỉ là trách nhiệm với chính sự nghiệp cầm bút của họ, mà còn là điều họ phải làm cho văn học thiếu nhi nước nhà. Khi bước vào sân chơi của kinh tế thị trường, nhà văn không thể yêu cầu hay chờ đợi các chính sách hay hành động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giành lại người đọc và thị trường cho mình, mà phải tự thân vận động. Câu chuyện về lòng tự ái của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một trường hợp đáng suy ngẫm về tâm thế lẫn tư thế của người viết cho thiếu nhi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu toàn diện như 2 thập kỷ qua.

Năm 2004, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quyết định viết tập truyện dài giả tưởng kỳ ảo Chuyện xứ Langbiang. Động cơ để ông viết là khi chứng kiến Harry Potter làm mưa làm gió trên thị trường sách Việt. Lòng tự ái cùng trách nhiệm làm nghề khiến ông nghĩ mình phải viết một tác phẩm cùng thể loại để chứng tỏ nhà văn Việt cũng có thể viết được như thế, đồng thời cũng để khơi lại nguồn mạch văn học kỳ ảo trong văn học dân tộc. Người đọc có thể thấy những nét tương đồng với tác phẩm của nhà văn Anh, nhưng vẫn không thể phủ nhận tác phẩm có những nét riêng, phản ánh thiên nhiên, đời sống, con người và trẻ em Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Chuyện xứ Langbiang vẫn là tác phẩm kỳ ảo hiếm hoi của Việt Nam đứng vững được trên thị trường sách cho thiếu nhi nhiều năm qua.

Nhìn chung, văn học thiếu nhi nước ngoài ở Việt Nam thực sự có những tác động tích cực đến bạn đọc thiếu nhi lẫn lực lượng sáng tác cho thiếu nhi. Tác động quan trọng nhất là thúc đẩy sức sáng tạo của các nhà văn trong nước để không trở nên lạc hậu với thế giới, để khẳng định tài năng, trách nhiệm và cả lương tri của một người cầm bút trước thực tế văn học dịch chiếm được nhiều cảm tình của bạn đọc.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321142/van-hoc-thieu-nhi-nuoc-ngoai-o-viet-nam--goi-mo-nhung-chan-troi.html