Trái chiều động thái của khối ngoại đối với 2 cổ phiếu 'họ FPT'

Giao dịch của khối ngoại tiếp tục là điểm trừ trong phiên 10/6 khi họ bán ròng trên cả ba sàn với giá trị 1.324 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FPT (CTCP FPT) chịu áp lực bán mạnh nhất, chiều ngược lại cổ phiếu FRT (FPT Retail) lại là tâm điểm mua ròng của khối ngoại.

Cụ thể, tại chiều mua, cổ phiếu FRT được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 45 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 172 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây đều là 2 mã cổ phiếu trong “họ FPT” và đang gây chú ý với thị trường trong thời gian qua.

Trong khi cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại thì cổ phiếu FRT là tâm điểm mua ròng.

Trong khi cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại thì cổ phiếu FRT là tâm điểm mua ròng.

Chốt phiên 10/6, cổ phiếu FPT tiếp tục leo lên mức 144.000 đồng/cp, chinh phục mức đỉnh mới. Vốn hóa thị trường của FPT theo đó cũng lập kỷ lục mới gần 183.000 tỷ đồng (xấp xỉ 7,4 tỷ USD), cao hơn gần 50% so với đầu năm 2024. Hiện, FPT đang ở vị trí thứ 5 trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo giới phân tích, giá cổ phiếu FPT đã tăng vọt từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với Nvidia - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia xuất hiện, với mức P/E hiện tại là 25,5x, cao nhất mọi thời đại.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT đã có 28 lần đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh) trong khi mới giao dịch tổng cộng 106 phiên.

Trong khi đó, cổ phiếu FRT cũng diễn biến tích cực từ đầu năm 2024. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch ở mức giá 172.500 đồng/cp. Vốn hóa công ty ước đạt hơn 23.200 tỷ đồng, ngấp nghé ngưỡng tỷ USD. Với mức giá trên, FRT đã trở thành một trong những cổ phiếu đắt nhất sàn giao dịch HoSE.

Cổ phiếu FRT tăng trưởng bất chấp doanh nghiệp này thua lỗ trong năm 2023 do thị trường bán lẻ tụt dốc. Từ mức giá 53.000 đồng/cp tại tháng 3/2023 tới nay, mã này đã tăng hơn 220%.

Một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu giữ được xu hướng tăng giá bền vững là do phần lớn cổ phiếu đều nằm trong tay nhà đầu tư “cá mập”.

Xét theo cơ cấu, Tập đoàn FPT là hiện cổ đông lớn nhất của FPT Retail khi nắm giữ giữ tới 46,53% số lượng cổ phiếu. Tiếp sau đó là các tổ chức tài chính như CTBC Vietnam Equity Fund, VOF Investment Limited, Hanoi Investments Holdings Limited,.. với tỷ lệ dao động từ 2% - 4%.

Các chuyên gia nhận định, nhà đầu tư tổ chức vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào FPT Retail trong giai đoạn sắp tới nhờ vào triển vọng của FPT Long Châu khi mà chuỗi nhà thuốc này sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn của FPT Retail trong bối cảnh mảng bán lẻ điện máy đã đạt độ bão hòa.

Trong năm 2024, FPT Long Châu lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc vào cuối năm lên khoảng 1.900. Hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng, FPT Long Châu đã ra mắt chuỗi trung tâm tiêm chủng vắc xin sau thành công bước đầu của chuỗi bán lẻ dược phẩm.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/trai-chieu-dong-thai-cua-khoi-ngoai-doi-voi-2-co-phieu-ho-fpt-1100310.html