Trái chủ 'cá mập' chi phối cuộc chơi trên thị trường trái phiếu?
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ08), là cho phép doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu (TP) có thể thỏa thuận với các trái chủ để cấn trừ tài sản đảm bảo (dự án, đất đai, căn hộ hình thành tương lai), thay vì trả bằng tiền mặt. Song để hiện thực hóa quy định này không dễ do gặp nhiều vướng mắc.
Khó đạt thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và trái chủ
Vướng mắc đầu tiên là thỏa thuận giữa DN và nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ khi thực hiện giải pháp cấn trừ nợ bằng tài sản đảm bảo khác (chủ yếu là tài sản bất động sản - BĐS). Bởi chỉ có trái chủ mua TPDN được đảm bảo bằng tài sản thực mới có thể áp dụng, còn với trái chủ mua phải nhóm trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) quy định này là vô nghĩa, trong khi hầu hết DN phát hành đều không có tài sản đảm bảo.
Nhưng ngay cả khi DN có tài sản đảm bảo, đơn cử như BĐS, cũng không dễ dàng cấn trừ nợ thay cho TP, bởi việc đàm phán cần sự chấp thuận từ cả 2 phía. Nếu trái chủ không đồng ý vì nhiều lý do, như lo ngại rủi ro pháp lý, DN cũng chào thua, ngay cả khi 2 bên đã đạt được sự đồng thuận, việc định giá tài sản BĐS như thế nào cũng là rào cản lớn.
Nói như TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ, quy định này phải dựa trên sự đồng thuận và thiện chí của cả 2 bên mới có thể thực hiện được. Phía DN phải thể hiện công khai, minh bạch, dứt khoát cam kết và thực hiện đúng với những đề xuất đặt ra với NĐT. Về phía NĐT, trái chủ cũng nên đồng hành, chia sẻ cùng DN. Bởi có thể xảy ra trường hợp nếu ép quá, NĐT “dồn DN vào chân tường”, cả 2 bên sẽ không thể tìm được tiếng nói chung, đồng loạt rơi vào thế khó.
“Để việc đàm phán diễn ra suôn sẻ, điều kiện đặt ra là cơ quan quản lý phải hướng dẫn, quản lý, giám sát phương án giãn/hoãn nợ để hoạt động này được thực hiện đúng đắn, pháp lý đầy đủ và không gây ảnh hưởng tới thị trường chung. Đồng thời, đưa ra các hướng dẫn cụ thể để nhất quán thực hiện, tránh để xuất hiện xung đột về lợi ích cũng như khả năng xảy ra tranh chấp sau này” - TS. Lực nhấn mạnh.
Thực tế, khi nhận xét về giải pháp này, không ít hội nhóm đầu tư TP, tỏ ra lo lắng và không mấy mặn mà. Lý do đưa ra khi NĐT gửi tiền (mua TP) chỉ muốn nhận lại bằng tiền. Nếu lấy BĐS, ai là người định giá giá trị BĐS đó, và liệu BĐS đó có phải là sản phẩm thanh khoản kém, ế, có rủi ro về mặt pháp lý?
Thậm chí, không ít NĐT cá nhân cho hay trước đó đã vay tiền ngân hàng để mua TPDN (vì lãi suất cho vay của ngân hàng thấp hơn lãi suất TPDN), nên chỉ hy vọng DN trả bằng tiền để… có tiền trả ngân hàng.
Lo ngại trái chủ “cá mập” chi phối
Thực tế, thời gian qua có không ít DN thông báo phương án trả nợ TP bằng BĐS. Và cũng không ít khách hàng bị đặt vào tình thế phải lấy BĐS, vì nếu không lấy sợ mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư.
Thực tế hiện nay, khi quy định DN được trả tiền bằng tài sản được hiện thực hóa, chỉ có số ít NĐT chuyên nghiệp thuộc nhóm “cá mập” nhận được, còn NĐT nhỏ lẻ vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi trái chủ là những NĐT nhỏ lẻ khi phải nhận chung và trở thành đồng sở hữu tài sản với các NĐT “cá mập” khác, họ sẽ bị chi phối và dễ phát sinh tranh chấp mà không có quyền quyết định hoàn toàn với tài sản này.
Chưa kể có ý kiến lo ngại, sau khi NĐ08 có hiệu lực, liệu có xảy ra việc sẽ có một số NĐT trung gian “cá mập” tham gia gom TP của các NĐT nhỏ mà họ có thể thỏa thuận được với giá rẻ, thay vì trái chủ phải ôm và chờ đợi DN trả lãi, thu hồi nợ sau, kéo theo đó là xuất hiện dịch vụ kinh doanh loại TP này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để giải quyết được vòng xoáy quẩn quanh những vướng mắc này, DN có thể chọn phương án bán tài sản với giá thấp hơn bình thường, chấp nhận “cắt lỗ” các tài sản 20-30%, thậm chí chiết khấu tới 30-40% để có nguồn tiền tất toán TP đáo hạn.
Sở dĩ phải “cắt máu” đậm như vậy, bởi giá BĐS thời gian qua phát triển khá “nóng”, mức giá đang quá cao so với khả năng chi trả của khách hàng. DN phải chấp nhận chịu giảm lãi, thậm chí lỗ nếu muốn có thanh khoản.
Vướng mắc cuối cùng cho cả tổ chức phát hành lẫn trái chủ, là tính pháp lý của các tài sản đảm bảo. Hiện nay, không ít dự án BĐS chưa có đủ giấy tờ pháp lý. Những khúc mắc về mặt pháp lý chính là nguyên nhân khiến DN không thể bán tài sản để đáo nợ, trong khi NĐT cũng không dám mạo hiểm “ôm” dự án vì lo ngại rủi ro.
Không phải vô cớ tại hội nghị gỡ khó cho thị trường BĐS hồi giữa tháng 2 vừa qua, đại diện các DN đã đưa ra nhiều kiến nghị với Thủ tướng và ngành ngân hàng, trong đó chủ yếu là xem xét tháo gỡ về thủ tục pháp lý cho các dự án.
Trong bối cảnh đó, ít nhất, NĐ08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường TPDN, trong đó trọng tâm là để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của TP, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn.
Đáng chú ý, quy định trong NĐ08 cũng cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi TP bằng các tài sản hợp pháp khác. Trong bối cảnh nhiều DN đang gặp khó khăn về dòng tiền hiện nay, giải pháp này mở ra lựa chọn khả thi cho DN (trong trường hợp trái chủ đồng ý).
Cùng với những quy định được cho là “nới” trong NĐ08, các DN BĐS kỳ vọng NHNN không hạ nhóm nợ đối với TPDN do NH cấp tín dụng, giúp DN có thời gian xoay xở.