Trái Đất đang lọt giữa một 'đường hầm từ tính' khổng lồ
Nếu bạn sở hữu đôi mắt của một kính thiên văn vô tuyến, bạn có thể thấy mình đang lọt thỏm giữa một đường hầm khổng lồ dài đến 1.000 năm ánh sáng, bao vây cả Trái Đất và hệ Mặt Trời.
Theo Sputnik News, đó là một cấu trúc vô hình dưới mắt thường, nối 2 cấu trúc khổng lồ khác ở 2 phía đối diện của bầu trời là North Polar Spur và Fan Region. Theo định nghĩa của NASA, North Polar Spur và Fan Region là 2 cấu trúc sáng rực rỡ dưới ánh sáng vô tuyến hoặc tia X, vốn là một phần của "bong bóng nóng" giữa các vì sao được tạo ra bởi gió của các ngôi sao trẻ, nóng và một số vụ nổ siêu tân tinh.
Đường hầm nối 2 cấu trúc này làm bằng các sợi từ tính, chỉ có thể quan sát dưới ánh sáng vô tuyến. Cấu trúc này bao bọc lấy cả hệ Mặt Trời và các ngôi sao lân cận.
Tác giả chính - nhà thiên văn học Jennifer West từ Đại học Toronto (Canada), cho biết sự tồn tại của cấu trúc này đã bị nghi ngờ từ những năm 1960. Nhiều cấu trúc dạng vòng lặp vô tuyến nổi bật trong không gian giữa North Polar Spur và Fan Region, nhưng trước đây các nhà khoa học chưa chứng minh được sự kết nối.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu lần này đã sử dụng các mô hình và mô phỏng để tìm xem "bầu trời vô tuyến" quay chúng ta sẽ thế nào, và mô hình các sợi từ tính dài đến 1.000 năm ánh sáng nối hai phía của bầu trời là phù hợp nhất. Mô hình này phù hợp với một loạt các đặc tính quan sát từ North Polar Spur và Fan Region bao gồm hình dạng, sự phân cực của bắc xạ điện từ và độ sáng.
Nhóm nghiên cứu cho biết bước tiếp theo của họ là tìm hiểu xem đường hầm từ tính này kết nối như thế nào với hệ từ trường của cả thiên hà chứa Trái Đất Milky Way và hệ thống từ trường quy mô nhỏ hơn, như của hệ Mặt Trời.
Nghiên cứu vửa công bố trực tuyến và sẽ xuất hiện trên The Astrophysical Journal số tiếp theo.