Trái đất nóng lên: Ảnh hưởng từ các cuộc xung đột

Từ việc đổ chất khai quang như chất độc da cam vào các khu rừng ở Việt Nam đến các giếng dầu bốc cháy trong Chiến tranh vùng Vịnh và ô nhiễm các tầng chứa nước bị đánh bom ở Gaza, những tác động tới môi trường từ lâu đã là tác dụng phụ của các cuộc xung đột địa chính trị.

Quân đội Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: DPA

Bài liên quan

Đức muốn thành lập CLB khí hậu cùng Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc

Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có thể không thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung

Những điều ít được nói đến là tác động của chiến tranh và quân sự đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, một phần là do khí thải quân sự phần lớn đã được miễn trừ khỏi các hiệp ước khí hậu quốc tế, bắt đầu từ Nghị định thư Kyoto 1997.

Bà Neta C. Crawford, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston, giải thích: “Quân đội Mỹ không muốn giới hạn quyền tối cao của mình bằng các ràng buộc. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, quân đội lo ngại rằng các hạn chế về phát thải có thể làm hy sinh quyền bá chủ toàn cầu mới hình thành của họ".

"Tuy nhiên, nếu quân đội Mỹ là một quốc gia thì họ sẽ là một trong 50 quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới, xếp trên Thụy Điển hoặc Đan Mạch", bà nói.

Nghiên cứu của Crawford là một trong những công trình đang phát triển gần đây đã tiết lộ lượng khí thải carbon vượt mức của hệ thống quân sự toàn cầu.

Một nghiên cứu đột phá năm 2019 của các nhà nghiên cứu Đại học Lancaster và Durham cho thấy quân đội Mỹ, cỗ máy chiến tranh lớn nhất thế giới, chính là tổ chức tiêu thụ hydrocacbon lớn nhất trên hành tinh.

Xung đột và khí hậu: Con dao hai lưỡi

Mặc dù quân đội trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ đã lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng sẽ là nguyên nhân chính gây ra xung đột trong tương lai, nhưng họ đã làm rất ít để giải quyết vai trò của mình trong việc làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu này.

Giáo sư Crawford nói rằng quân đội Mỹ đã thất bại trong việc kết hợp các chiến lược để giảm thiểu nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Bà lưu ý rằng hải quân đã tự cách ly khỏi mực nước biển dâng bằng cách nâng cao các căn cứ của họ ở các cảng và bến cảng từ Virginia đến Florida.

Quân đội đã đi tiên phong trong việc sử dụng năng lượng mặt trời, các phương tiện chạy bằng hybrid và nhiên liệu sinh học, đặc biệt là ở các khu vực chiến sự như Afghanistan, để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhiên liệu diesel có thể bị tấn công trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, thường thì các sáng kiến thích ứng với khí hậu chỉ mang mục đích quân sự, ông Patrick Bigger, giảng viên tại Trung tâm Môi trường Đại học Lancaster và là chuyên gia về khí thải của quân đội Mỹ, cho biết.

Ônng nói rằng các chiến lược thích ứng với khí hậu của quân đội Mỹ không giải quyết “lượng khí thải” carbon khi họ sử dụng khoảng 270.000 thùng dầu mỗi ngày.

Ông Weir, giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Đài quan sát Xung đột và Môi trường (CEOBS), cho biết quân đội cần phải vượt ra ngoài các động cơ an ninh năng lượng và thay vào đó hướng đến lợi ích rộng lớn hơn cho khí hậu.

Nhưng ngay cả khi quân đội chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải carbon khổng lồ, chiến tranh đang làm trầm trọng thêm tác động khí hậu theo nhiều cách.

Quân đội Mỹ. Ảnh: DPA

Sau cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Colombia, nạn phá rừng đã xảy ra trên quy mô rộng hơn nhiều do thiếu hụt người quản lý sau khi FARC rút lui.

Bà Deborah Burton, đồng sáng lập của Tipping Point North South (TPNS), một hợp tác xã công lý khí hậu của Vương quốc Anh ủng hộ khái niệm "chuyển đổi phòng thủ" cho rằng, "Vấn đề này gần như không xuất hiện trong cuộc tranh luận về khí hậu", đồng thời không quy trách nhiệm cho các bên quân đội đối với biến đổi khí hậu.

Ông Benjamin Neimark, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Môi trường Đại học Lancaster, cho biết một giải pháp sẽ là "giảm thiểu, thu gọn các đơn vị của quân đội", bao gồm cả việc đóng cửa một số trong số 800 căn cứ quân sự của Mỹ được duy trì tại hơn 70 quốc gia.

Nhưng đó là một thông điệp có thể không thực sự tốt về mặt chính trị của Mỹ, ông Patrick Bigger nói, lưu ý rằng kể cả khi Tổng thống Biden có nhắc nhiều về việc chống biến đổi khí hậu, ông không hề đề cập tới tác động từ phía hoạt động quân sự.

Mặc dù ông Biden đã viện dẫn cách tiếp cận của toàn bộ chính phủ cho kế hoạch hành động về khí hậu mới của mình, Bộ quốc phòng lại không nằm trong kế hoạch này và vẫn được đề xuất gói ngân sách 800 tỷ USD.

Thiếu báo cáo minh bạch

Ông Linsey Cottrell, quan chức chính sách môi trường của CEOBS cho biết quân đội lớn thứ 2 thế giới là EU cũng không công bố các báo cáo của họ về tác động tới môi trường, viện lý do "quan ngại an ninh quốc gia".

Ông Cottrell ước tính rằng lượng khí thải quân sự của Vương quốc Anh cao hơn ít nhất ba lần so với báo cáo, vì ví dụ, lượng khí thải gián tiếp tạo ra từ quá trình sản xuất thiết bị quân sự và vũ khí không được bao gồm.

"Nếu không thể đo lường, chúng ta không thể giám sát. Chúng ta cần một hệ thống báo cáo minh bạch và khách quan", ông nối.

Điều này dẫn đến cái mà ông Weir gọi là "một nền văn hóa chung của chủ nghĩa ngoại lệ về môi trường khi nói đến quân đội".

727 giếng dầu bị đốt trong năm 1991, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Ảnh: DPA

Bà Crawford lưu ý rằng việc đốt các giếng dầu và phá hủy cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch trong chiến tranh là một tác động khác không được báo cáo. Theo một ước tính, các giếng dầu bùng cháy trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 chiếm 2-3% lượng khí thải toàn cầu trong năm đó.

Ông Bigger lưu ý rằng ngân sách quân sự năm 2022 sắp tới của Mỹ sẽ bao gồm các hợp đồng mua các máy bay phản lực và tàu chiến chạy bằng nhiên liệu đốt.

Làm thế nào các quân đội hàng đầu có thể thoát khỏi nhiên liệu đốt khi những chiếc máy bay sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được phục vụ trong những thập kỷ tới?. Ông Burton cho biết các hợp đồng dài hạn cho các loại vũ khí bao gồm một phi đội máy bay chiến đấu F35 mới được cho là tiêu thụ gần 6.000 lít nhiên liệu mỗi giờ bay.

Phía NATO cũng dần nhận ra được việc này và đã kêu gọi các nước thành viên giảm tiêu thụ năng lượng cho quân sự nhằm đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Các nước hiện vẫn chưa lên tiếng ủng hộ và hứa tuân thủ theo kêu gọi này.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trai-dat-nong-len-anh-huong-tu-cac-cuoc-xung-dot-post136235.html