Trại giam Đại Bình: Cảm hóa hàng vạn người lầm lỡ làm lại cuộc đời

Những ngày này, không khí ở Trại giam Đại Bình, Bộ Công an (đóng quân ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là 50 năm thành lập đơn vị.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho đặc xá năm 2025 cũng đang vào giai đoạn gấp rút nên từ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đến phạm nhân, ai ai cũng nỗ lực để có những ngày vui trọn vẹn.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập (ngày 10/4/1975), Trại giam Đại Bình có 5 CBCS quản lý hơn 200 đối tượng trên vùng đất cằn cỗi, cơ sở vật chất ban đầu vô cùng khó khăn, thiếu thốn, xung quanh là rừng già bao bọc, nguồn nước bị nhiễm chất độc hóa học và bom mìn rơi rớt trong chiến tranh, đất đai hoang hóa, CBCS phải dùng tăng bạt, tranh tre để làm nhà ở, vừa chặt cây rừng dựng trại, vừa kết hợp dùng dây kẽm gai để dựng hàng rào xung quanh.

Cán bộ Trại giam Đại Bình hướng dẫn phạm nhân lao động.

Cán bộ Trại giam Đại Bình hướng dẫn phạm nhân lao động.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, tập thể cấp ủy Đảng, lãnh đạo và CBCS qua các thời kỳ luôn xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ, giáo dục, bồi dưỡng CBCS nêu cao tinh thần cách mạng, nỗ lực vượt qua hiểm nguy, gian khổ, thi đua phấn đấu lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ đó, từng bước xây dựng Đảng bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo. Qua 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trại giam Đại Bình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, thoáng mát với đầy đủ nhà làm việc, hội trường, nhà giam, xưởng lao động, nhà ăn, bệnh xá... cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân được Đảng, Nhà nước, ngành giao phó.

Trong từng giai đoạn cách mạng, đơn vị đã cụ thể hóa và đề ra các biện pháp quản lí, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân phù hợp, từng bước giúp những người lầm lỗi an tâm cải tạo, có ý thức tuân thủ pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Chính tại mảnh đất Đại Bình “giàu tình đời, tình người” này, các thế hệ CBCS trong đơn vị đã giáo dục cảm hóa hàng vạn người lầm lỡ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Trong số đó, nhiều người đã trở thành doanh nhân thành đạt, công dân ưu tú.

Ôn lại kỷ niệm truyền thống 50 năm, Đại tá Phùng Văn Huế, Giám thị Trại giam Đại Bình cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nguồn nhân lực hạn chế trong khi tình hình đối tượng giam giữ diễn biến rất phức tạp, ngoan cố không chịu cải tạo, tỏ rõ thái độ chống đối đến cùng, CBCS đã tăng cường giáo dục, thuyết phục làm cho phạm nhân nhận rõ tội lỗi, hiểu rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội, xây dựng phong trào tự giác học tập, rèn luyện trong phạm nhân, giúp phạm nhân thi đua học tập, cải tạo tiến bộ. Đã có hàng trăm ngàn phạm nhân được đặc xá, giảm thời hạn và giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hầu hết, số phạm nhân được đặc xá, giảm án, hết thời hạn chấp hành án phạt tù khi trở về xã hội đều có việc làm ổn định, không tái phạm tội, nhiều người đã trở thành doanh nhân thành đạt, chủ trang trại, trở thành công dân tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Trong quá trình xây dựng đơn vị, có lúc, máu đã phải đổ xuống để bảo vệ an toàn cho trại giam. Đó là vào năm 1981, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Trung sỹ Hà Văn Bình, ở Thanh Tùng, Thanh Chương, Nghệ An đã anh dũng hy sinh, trở thành tấm gương sáng để CBCS các thế hệ noi theo.

Cùng với việc tổ chức tốt công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, đơn vị đã chủ động khai thác nguồn tài nguyên đất, quy hoạch đất đai, đường nội bộ, tổ chức trồng cây phủ xanh đất trống, tích cực tăng gia, phát triển sản xuất, hướng nghiệp, dạy và truyền nghề cho phạm nhân, từng bước tạo nguồn thu để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân và CBCS.

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trại giam Đại Bình tiếp tục có nhiều nỗ lực trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trại giam, thực hiện đúng chế độ, chính sách pháp luật về ăn, ở, mặc, lao động, học tập, thăm gặp, chăm sóc y tế, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đề nghị đặc xá…

Thường xuyên tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, tham gia các phong trào thi đua, các hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao. Định kỳ tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, tạo môi trường giáo dục cải tạo lành mạnh, nhân ái, nhân văn, giúp phạm nhân tin tưởng vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, từ đó thi đua học tập cải tạo tiến bộ.

Chủ động xây dựng chương trình học tập, giáo dục, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân góp phần tăng tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt, giảm tỷ lệ phạm nhân cải tạo trung bình, cải tạo kém. Bên cạnh đó, Trại luôn làm tốt công tác dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân và phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, tư vấn giới thiệu việc làm và tìm kiếm việc làm cho phạm nhân sau khi được đặc xá, giảm hết thời hạn, chấp hành án phạt tù, tha tù có điều kiện.

Thời gian gần đây, tội phạm gia tăng tính chất nguy hiểm, các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, các loại tội phạm về kinh tế, trọng án cướp tài sản giết người, lưu manh chuyên nghiệp tăng lên, nhưng CBCS Trại giam Đại Bình vững “tay chèo”, cảm hóa, giáo dục những phạm nhân này trở thành người có ích. Như trường hợp phạm nhân Hà Huy Hoàng, SN 1980 ở Lục Yên, Yên Bái phạm tội giết người. Với tội danh nặng như vậy, lúc mới vào trại, Hoàng lo lắng, không yên tâm. Để cảm hóa được Hoàng, các cán bộ Trại giam Đại Bình đã tìm hiểu hoàn cảnh, phân tích, động viên anh ta yên tâm cải tạo để hưởng khoan hồng. Từ đó, Hoàng đã thay đổi, nhận rõ lỗi lầm của mình gây, an tâm, tự giác chấp hành án.

Hoàng cho biết: “Nhờ các cán bộ, tôi hiểu được rằng, chỉ có cải tạo tiến bộ mới thay đổi được chính cuộc đời mình, mới trả được hết lỗi lầm mình gây ra. Chính vì vậy, tôi luôn an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm bản án, các quy định của pháp luật, giữ vững niềm tin và sẽ tích cực phấn đấu trong học tập, lao động, cải tạo, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.

Đặc biệt, một trong những tiêu chí mà Trại giam Đại Bình luôn quán triệt, nhắc nhở để CBCS thực hiện, đó là coi phạm nhân như người thân của mình, sẵn sàng giúp đỡ phạm nhân khi họ gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Phạm nhân Hồ Lê Tuấn, SN 1962 ở xã An Ngãi, Long Điền, (nay là huyện Long Đất), Bà Rịa-Vũng Tàu là một điển hình, Tuấn bị suy tim độ 4, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Ngoài chăm sóc, điều trị bệnh cho Tuấn, CBCS Trại giam Đại Bình còn phải thay luôn người thân chăm sóc anh ta khi Tuấn nằm viện; mua thêm đồ ăn, nhu yếu phẩm sinh hoạt… Tấm lòng các cán bộ không chỉ khiến Tuấn cảm động, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà khiến các phạm nhân khác cũng yên tâm hơn, có động lực hơn để phấn đấu làm lại cuộc đời.

Cùng với công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, Trại giam Đại Bình luôn chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết với nhân dân, củng cố, phát huy tính hiệp đồng chiến đấu, phối hợp, gắn bó với lực lượng vũ trang nơi đơn vị đóng quân, bảo đảm thế trận an ninh vững chắc, góp phần chủ động đảm bảo an toàn trại trong mọi tình huống.

Các tổ chức quần chúng của đơn vị tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Hơn 10 năm qua, đơn vị chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Xê, tại thôn 8A xã Lộc Thành; nhận đỡ đầu các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Thôn 6 xã Lộc Thành và Lộc Nam; tổ chức cho đoàn viên trong đơn vị tham gia hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng tổ chức phát động; phối hợp thực hiện và cùng Đoàn Thanh niên xã Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc tham gia các chương trình tình nguyện tu bổ hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, chương trình chăn ấm mùa đông, tiếp sức mùa thi…. Hành động và nghĩa cử cao đẹp đó được nhân dân khen ngợi, được cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Công an khen thưởng.

Trại giam Đại Bình những ngày tháng 4, nắng vàng trải dài trên những con đường đất đỏ xanh mướt những tán cây. Nơi đây, bao thế hệ CBCS đã “vượt nắng thắng mưa”, đổ mồ hôi, công sức để “chèo lái những con đò”, đưa các phạm nhân về nẻo thiện. Đặc biệt, với 101 phạm nhân được đề nghị đặc xá, chỉ ít ngày nữa thôi, khi Chủ tịch nước có quyết định, họ sẽ được về nhà bắt đầu cuộc đời mới, tạo động lực cho những phạm nhân khác phấn đấu hoàn lương, CBCS Trại giam Đại Bình tiếp tục vững tay chèo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/trai-giam-dai-binh-cam-hoa-hang-van-nguoi-lam-lo-lam-lai-cuoc-doi-i764378/