Thị trường lao động, việc làm có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang được các tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm so với những dự báo trước đó, kéo theo hệ lụy hạn chế khả năng tạo việc làm mới của thị trường lao động toàn cầu, Báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý I năm 2025 của nước ta vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn có nhiều thách thức đan xen.

Quý I/2025, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện. Ảnh: TS

Quý I/2025, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện. Ảnh: TS

Khả năng tạo việc làm mới trên toàn cầu bị hạn chế

Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, theo Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới năm 2025 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến vẫn tương đối ổn định ở mức khoảng gần 5%, tương tự như năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 3/2025, một số tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 giảm hoặc giữ nguyên so với dự báo trước đó, dao động trong khoảng 2,3% - 3,3%, điều này có thể hạn chế khả năng tạo việc làm mới của thị trường lao động toàn cầu năm 2025.

Ngoài ra, theo ILO, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu duy trì ở mức thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp thanh niên vẫn ở mức cao, việc làm phi chính thức và tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo chưa cải thiện có xu hướng trở lại mức trước đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia thu nhập thấp.

Chính vì vậy, ILO nhấn mạnh sự cần thiết phải có những giải pháp sáng tạo để thúc đẩy công bằng xã hội và tạo việc làm bền vững.

Tín hiệu vui: Thu nhập bình quân của người lao động tăng

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây là chuyển biến tích cực được Cục Thống kê ghi nhận trên thị trường lao động, việc làm quý I vừa qua.

Cụ thể, quý I/2025, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 131 nghìn đồng so với quý trước và tăng 720 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tăng 1,6% và tăng 9,5%.

Đáng chú ý, thu nhập bình quân tháng của lao động nam gấp 1,31 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (9,3 triệu đồng so với 7,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (10,1 triệu đồng so với 7,2 triệu đồng).

Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I khoảng 1,04 triệu người, giảm 10,7 nghìn người so với quý trước và giảm 14,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I vừa qua là 2,20%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 là 7,93%. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này có giảm nhưng không đáng kể (lần lượt giảm 0,03 và 0,06 điểm phần trăm). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị là 11,06%, cao hơn 4,74 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Còn khoảng 1,35 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,4% tổng số thanh niên), tăng 84,4 nghìn người so với quý trước và giảm 66,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 3,5 điểm phần trăm (tương ứng 11,7% và 8,2%) và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên 2,2 điểm phần trăm (tương ứng 11,5% so và 9,3%).

Thiếu việc làm cho người trong độ tuổi lao động

Tuy nhiên, Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động, số người có việc làm quý I đã giảm so với quý trước, trong khi đó, lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động vẫn tăng so với quý trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2025 là 52,9 triệu người, giảm 230,7 nghìn người so với quý trước nhưng lại tăng 532 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị giảm 120,6 nghìn người và khu vực nông thôn giảm 110,2 nghìn người.

Tương tự, số lao động có việc làm quý I năm 2025 đạt 51,9 triệu người, giảm 234 nghìn người, tương ứng giảm 0,4% so với quý trước và tăng 532,1 nghìn người, tương ứng tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lao động có việc làm khu vực thành thị là 20 triệu người (chiếm 38,6%), giảm 115,9 nghìn người so với quý trước và tăng 433,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, giảm 118,1 nghìn người so với quý trước và tăng 98,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) là 33,4 triệu người. Tỷ lệ lao động phi chính thức chung là 64,3%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi về vấn đề thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê nêu rõ, theo quy luật, dịp trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Do đó, sau thời gian nghỉ Tết, số giờ làm và số lao động thường giảm đi so với trước Tết. Vì vậy, tình hình thiếu việc làm quý I hằng năm thường cao hơn so với quý trước.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2025 khoảng 797,0 nghìn người, tăng 32,4 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 1,72%, tăng 0,07 điểm phần trăm so với quý trước, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 0,98%, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,21%).

Trong tổng số 797,0 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 50,1% (tương đương với 399,6 nghìn người); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm 27,1% (tương đương 215,9 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 22,8% (tương đương 181,5 nghìn người).

So với cùng kỳ năm trước, cả ba khu vực kinh tế đều ghi nhận số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 59,8 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 24,0 nghìn người, khu vực dịch vụ giảm 52,2 nghìn người)./.

ĐỨC HUY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thi-truong-lao-dong-viec-lam-co-chuyen-bien-nhung-con-nhieu-thach-thuc-39325.html