Trại heo khủng đe dọa nguồn nước đầu nguồn TP.HCM
Trang trại heo khủng được xây dựng ngay trên đầu nguồn cấp nước của Đồng Nai và TP.HCM khi chưa được cấp phép, chưa đánh giá tác động môi trường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có một trang trại heo rất lớn đã được xây dựng gần hoàn thiện với hàng chục dãy chuồng trại kiên cố. Trang trại nằm sát mép nước hồ Trị An (xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai), ngay trên đầu nguồn cấp nước của Đồng Nai và TP.HCM.
Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi heo nái này có diện tích hơn 13.770 m2. Tổng diện tích xây dựng của trang trại heo là hơn 119.000 m2 với khoảng 2.400 con heo nái sinh sản. Công trình do Công ty TNHH MTV Phan Thị Trâm làm chủ đầu tư.
Hiện nay trại nuôi heo đã xây dựng gần hoàn thiện trong khi việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa thẩm định xong.
Xây dựng trái phép
Lo ngại về nguồn nước hồ Trị An, ông Nguyễn Thanh Hùng, một người dân gần đó cho biết: “Tôi thấy trang trại rất lớn lại xây rất gần mép nước của hồ Trị An. Khi trang trại đi vào hoạt động, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước hồ Trị An”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết khi phát hiện dự án xây dựng khi chưa có giấy phép thì địa phương đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép và yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn tất các thủ tục trong thời gian 60 ngày. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục theo quy định. Do đó, UBND huyện Định Quán đã ra quyết định buộc tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai), thông tin: Vào giữa tháng 5-2018 thì đơn vị mới tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp để tiến hành đánh giá ĐTM. Sau đó, đơn vị cùng các cơ quan chức năng lập đoàn tổ chức kiểm tra thực tế nhằm thẩm định theo đúng quy trình.
“Qua kiểm tra thực tế cho thấy chủ đầu tư đã cho xây dựng tường bao xung quanh và xây dựng trái phép một số dãy trại nuôi heo. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư ngừng việc xây dựng, đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh để ra quyết định xử phạt hành chính đối với việc xây dựng không phép. Tuy nhiên, theo thông tin thì chủ đầu tư vẫn cố tình xây dựng nên đến nay đã cơ bản hoàn thiện…” - ông Bình khẳng định.
Vị trí nhạy cảm
Cũng theo phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, về trường hợp này Luật Bảo vệ môi trường quy định việc đánh giá ĐTM phải được thẩm định xong rồi mới đến bước cấp phép xây dựng công trình. Đặc biệt, trang trại nuôi heo này nằm ở vị trí nhạy cảm nên quy trình thực hiện ĐTM càng phải được thực hiện hết sức kỹ càng với các tiêu chí và yếu tố nghiêm ngặt hơn.
“Vì đây là vị trí nhạy cảm liên quan nguồn nước sông Đồng Nai nên trong quá trình thực hiện đánh giá ĐTM, khi nhận thấy không đảm bảo các yếu tố nhằm bảo vệ môi trường thì hội đồng đánh giá sẽ thông báo không tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thực hiện ĐTM, trường hợp này phức tạp nên sau khi tổng hợp các kết quả sẽ báo cáo hội đồng để ra kết luận cuối cùng trình UBND tỉnh” - ông Bình nói thêm.
Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết qua lấy ý kiến các sở, ngành về dự án trên thì có một số điểm chưa phù hợp. Bên cạnh đó, dự án chăn nuôi heo lại nằm ngay đầu nguồn sông Đồng Nai, gần hồ Trị An và chưa có ĐTM nên chưa đủ điều kiện cấp chủ trương đầu tư.
Để có thông tin nhiều chiều, PV đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư, tuy nhiên chúng tôi không nhận được sự phản hồi.
Phù hợp quy hoạch
UBND huyện Định Quán cho rằng dự án trang trại heo nói trên phù hợp quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn huyện Định Quán.
Không phù hợp quy hoạch
Sở NN&PTNT cho rằng căn cứ vào Luật Quy hoạch năm 2017 thì chăn nuôi không thuộc lĩnh vực phải tiếp tục lập quy hoạch. Vì vậy UBND huyện Định Quán áp dụng quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi giai đoạn này là không phù hợp.
Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/trai-heo-khung-de-doa-nguon-nuoc-dau-nguon-tphcm-798438.html