Trải lòng của các nhà giáo - nghị sĩ về nghề giáo trong tình hình mới

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra trong tháng tri ân các Nhà giáo Việt Nam. Bên lề kỳ họp, một số đại biểu là nhà giáo đã chia sẻ với phóng viên báo Tin tức những tâm tư với nghề giáo, đặc biệt trong việc thích ứng với tình hình mới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để nhà giáo yên tâm công tác

Tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhà giáo. Cường độ làm việc của giáo viên tăng, phương thức thay đổi trong điều kiện khó khăn hơn trước rất nhiều. Mặc dù vậy, các cơ sở giáo dục, các nhà giáo đã có biện pháp khắc phục trước những tác động của đại dịch.

Video Đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ với phóng viên báo Tin tức:

Việc ngành giáo dục chuyển đổi học trực tuyến là tình thế không báo trước. Nhưng việc chuyển đổi phương thức dạy và học trong ngành giáo dục từ trực tiếp sang trực tuyến đã linh hoạt, hiệu quả. Tất nhiên, học trực tuyến có kết quả không được như học trực tiếp, nhưng trong thời gian ngắn, hầu hết các nhà giáo ở lĩnh vực giáo dục đại học đã thay đổi phương thức giang dạy, phương tức tiếp cận với người học để đảm bảo hoạt động dạy và học không gián đoạn. Học trực tuyến không đơn thuần là trao đổi giữa thầy và trò trên lớp học mà còn gồm thi, kiểm tra, đánh giá trực tuyến khá công bằng và minh bạch. Thêm vào đó, phương thức học trực tuyến thúc đẩy người học, người thầy chuẩn bị phương tiện nhiều hơn, tư liệu nhiều hơn. Người học phải nghiên cứu nhiều hơn, tìm tòi nhiều hơn để thích nghi với tình hình mới. Tôi ghi nhận sự thích ứng này của ngành giáo dục, cũng như nỗ lực của các giáo viên.

Tuy nhiên, theo tôi, về lâu dài, cần có chính sách tổng thể để đội ngũ nhà giáo thực sự yên tâm, toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn. Khi có được chính sách đảm bảo đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ nhà giáo thì đó là cơ sở để cho bản thân nhà giáo vươn lên nâng cao năng lực; là cơ sở thu hút được đối tượng học sinh sinh viên có trình độ năng lực vào các ngành sư phạm, tạo ra đội ngũ giáo viên có trình độ chất lượng trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp): Chia sẻ với những áp lực ngày càng lớn với nghề giáo

Nghề giáo luôn là nỗi trăn trở trong tôi bởi tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo. Bản thân tôi là nhà giáo và có 16 năm dạy học. Bất cứ lúc nào, kể cả khi tôi phải rời xa môi trường sư phạm, thì vấn đề nhà giáo cũng luôn là nỗi trăn trở của tôi.

Video Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ với phóng viên báo Tin tức:

Nghĩ về nhà giáo trong bối cảnh này, trước hết tôi bày tỏ sự chia sẻ với các thầy cô, chia sẻ với áp lực ngày càng lớn mà các thầy cô phải đối mặt trong tình hình mới. Đó là, áp lực về yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 20218, về sách giáo khoa mới mỗi lúc một cao hơn; áp lực với những kỳ vọng từ phía xã hội, từ gia đình, phụ huynh, học sinh đối với việc nâng cao chất lượng học tập; áp lực cả những yêu cầu thành tích của các trường, dù hiện nay ngành giáo dục đang cố gắng để khắc phục nhưng chắc chắn cần có thời gian.

Trong bối cảnh COVID-19 thì áp lực của nhà giáo lại nhiều hơn. Để có giờ dạy trực tuyến, các thầy cô đã cố gắng gấp 200 -300% so với giảng dạy trực tiếp để có thể chuẩn bị bài giảng, tổ chức các tiết dạy và quản lý được học sinh. Điều tôi trăn trở nữa là một bộ phận những nhà giáo ngoài công lập, những cô giáo mầm non các cơ sở mầm non dân lập, tư thục, nhóm trẻ... đang trong tình trạng mất việc và nhiều người trong số đó phải bỏ nghề. Trong khi đó, đây là lực lượng lao động đặc thù, có có mức lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn. Qua các phiên làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với các tỉnh thành, tôi nhìn thấy nguy cơ số giáo viên mầm non nghỉ việc có thể rất khó kéo trở lại nghề, nếu họ tìm được công việc khác có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn. Đây là thách thức của ngành giáo dục khi lâu nay chúng ta đã thiếu giáo viên mầm non, thời gian tới còn thiếu hơn.

Nguyện vọng mà hàng trăm trường mầm non dân lập, tư thục đặt ra là cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Tôi hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng này. Vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng có ý kiến trên diễn đàn, trong các phiên làm việc với Chính phủ, các địa phương, đồng thời có các báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới các lĩnh vực, trong đó có giáo dục… Mong muốn Nhà nước có chính sách thật rõ, có thể hỗ trợ giảm thuế, vay vốn, tạo điều kiện tốt nhất trường mầm non nói riêng và hệ thống cơ sở mầm non tư thục, dân lập nói chung sớm mở cửa để chia sẻ với phụ huynh, tạo điều kiện cơ ở giáo dục tư thục sớm trở lại hoạt động duy trì. Trong thời gian tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tăng cường các hoạt động giám sát hơn để thực hiện mạnh mẽ việc này.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ): Cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới giáo viên, học sinh vùng sâu vùng xa trong điều kiện bình thường mới

Đại biểu Hà Ánh Phượng.

Đại biểu Hà Ánh Phượng.

Trong năm vừa qua có thể thấy, toàn ngành Giáo dục đã biến thách thức thành cơ hội, từ thích ứng linh hoạt sang đổi mới sáng tạo để đảm bảo mục tiêu vừa dạy, học và chống dịch. Tuy nhiên, Giáo dục trực tuyến cũng gây ra những vấn đề về sức khỏe, tinh thần, chất lượng giờ học do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa.
Trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, thầy cô, xã hội để nâng cao chất lượng giờ học trực tuyến vì nếu biết tận dụng đúng cách thì giáo dục trực tuyến có thể phát huy được những tính ưu việt của nó; rất cần sự thấu hiểu, tin tưởng, giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng cần có biện pháp tích cực hơn nữa đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là việc dạy học tích hợp, xây dựng và phát triển kho học liệu số trong đó lớp học ảo các môn học cần thí nghiệm, trải nghiệm cho các em học sinh để ứng phó với tình hình các em học sinh không thể thực hiện trực tiếp tại lớp.
Đại diện cho tiếng nói của giáo viên, tôi sẽ ủng hộ các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, cán bộ công tác trong ngành giáo dục để giúp thầy cô, cán bộ chuyên tâm với nghề.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn tới chất lượng đời sống của giáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa, giáo viên mầm non về vật chất cũng như tinh thần. Cùng với đó là sự phối hợp với các cơ quan ban ngành để giải quyết vấn đề việc làm cho giáo viên, đặc biệt là ở trường tư và sinh viên sư phạm ra trường trong bối cảnh COVID-19.
Hiện nay, tôi cũng lo lắng về vấn đề rủi ro trên mạng xã hội, an toàn trên Internet. Bộ GD&ĐT cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, thức an toàn trên không gian mạng cho cả cô và trò để tránh những hậu quả, rủi ro…

.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/trai-long-cua-cac-nha-giao-nghi-si-ve-nghe-giao-trong-tinh-hinh-moi-20211117074402043.htm