Trải lòng nghề đạo diễn sân khấu

Đạo diễn sân khấu là một nghề khó khăn, khi có quá nhiều cách hiểu về chức năng cũng như vị thế của nghề này. Và thêm một lần khó nữa với các đạo diễn sân khấu âm nhạc hiện đại khi khán giả có nhiều lựa chọn để thưởng thức một chương trình. Báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với đạo diễn sân khấu Vạn Nguyễn về chủ đề này.

PV: Là một đạo diễn sân khấu nổi tiếng, theo anh, cái khó nhất để xây dựng một đêm nhạc là gì?

Đạo diễn Vạn Nguyễn: Xây dựng đêm nhạc cái khó nhất không phải là một sân khấu thật đẹp, công phu, kỳ vĩ, cái khó nhất là phải đặt trọn vẹn mình vào vai trò người khán giả. Khi họ mua tấm vé, họ mong chờ điều gì, họ cần được thưởng thức những gì và mình phải mang tới điều gì cho khán giả?.

Đạo diễn sân khấu Vạn Nguyễn

Đạo diễn sân khấu Vạn Nguyễn

Có những lần đọc inbox của khán giả, tôi cảm thấy như một gánh nặng ngàn cân đè lên vai. “Mình đã mua được vé, hồi hộp quá, không biết chương trình có hay như mình mong đợi không, mình đi hơn một trăm cây số để lên Hà Nội xem đêm diễn nên hy vọng là sẽ hay thật sự, chứ không thì sẽ mất công và buồn lắm” .. Cả đêm đấy tôi không dám ngủ chứ không phải là mất ngủ, cứ nghĩ đến tâm tình của khán giả như thế.

Phải làm sao để đêm nhạc được như bấy nhiêu chờ đợi? và hơn nữa là những xúc cảm truyền tải thật sự rung động, trong khi nhạc xưa vốn mặn mòi, sâu sắc, đầy nghiệm trải; và để chuyển tải tất cả những điều ấy, để người xem được thấm thía trong từng câu hát, đắm say trong từng hơi thở và một bầu trời kỷ niệm cũ của mỗi người trở lại sau bài ca, sau đêm diễn...

Đó là một bài toán rất khó, bắt buộc người dàn dựng phải hòa mình vào ân cảm của mỗi ca khúc, tìm thấy mạch nguồn trong tình sử mà chắt chiu vun vén cho từng câu, từng phần kịch dẫn thoại, từng hình ảnh hiện trên sân khấu, cho từng cảnh trí tái hiện lại không thời gian... Tất cả những điều đó chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, nên nếu như hôm nay được khán giả yêu mến những đêm nhạc của tôi dàn dựng, thì thực sự đó là sự may mắn vì đã chọn được một lối đi tâm lí phù hợp mà thôi!

Anh đến với âm nhạc, nghề đạo diễn sân khấu, tổ chức chương trình… từ khi nào? Với cơ duyên gì?

Cả tuổi thơ tôi đã được nghe cùng bố mẹ không biết bao nhiêu bài hát và bao nhiêu lần những ca khúc của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Minh Tuấn, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hiệp, Trần Tiến, Trần Kiết Tường, Võ Văn Di, Phan Nhân, Văn Kí... Tôi bắt đầu thích âm nhạc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ khi học cấp 2, tôi có được những chục ngàn tiết kiệm đầu tiên và bắt đầu tìm mua các băng nhạc của Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Bấy nhiêu tình yêu đó đã cho tôi đến với sân khấu ca nhạc bằng tất cả tâm thế của sự yêu mến dung dị nhất, cảm giác tự nhiên như hơi thở và sung sướng khi xây dựng các chương trình để ngồi nghe và biên tập lại các ca khúc trong ngàn vạn ca khúc đã sống động trong tuổi thơ của mình .. Mọi chuyện cứ tự nhiên như cơn mưa sau ngày nắng vậy, tôi cũng ít khi cắt nghĩa vì sao hay như thế nào, tôi cứ để mọi cái tự nhiên như thế...!

Nếu để nói về con người mình, anh có thể tự nhận xét như thế nào?

Tham lam, và nếu có thể xin được viết in hoa hai chữ này (cười) .. Tôi thích viết và dựng kịch, thích viết và dựng sử thi, thích làm show âm nhạc về Bác Hồ, về đề tài chiến tranh - người lính, say mê sân khấu âm nhạc truyền thống (Cải Lương, Chèo, ca Huế, hô hát Bài chòi, hát Văn, hát Xẩm, ca Trù, hát Quan họ, đắm đuối với dòng nhạc về Hà Nội, rạo rực trong dòng nhạc cách mạng, mênh mang trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, đắm say với dòng trữ tình hải ngoại...

Một cảnh sân khấu do Vạn Nguyễn dàn dựng.

Một cảnh sân khấu do Vạn Nguyễn dàn dựng.

Mỗi giai thanh đều cho tôi những thức cảm mạnh mẽ khi nghe, thấm, mỗi loại hình nghệ thuật đều cho tôi cảm giác tìm thấy mình dù trong vai trò của người khán giả cảm nhận hay người dàn dựng, bất cứ vị trí nào, chỉ cần được tiếp xúc, được nghe, đọc, được xem một tác phẩm hay tìm hiểu về tác phẩm ấy đều là một niềm sung sướng chẳng thể tả bằng lời nói mà chỉ cứ lặng im nghe tiếng cảm của chính mình! Loại hình nào cũng đều muốn dựng được nhiều và thật nhiều những đêm diễn đầy cảm xúc!

Nhiều khán giả xem các đêm diễn của anh và nhận định rằng anh là người “hoài cổ”. Anh có chấp nhận đánh giá này không? làm thế nào để có thể đặt mình giữa hiện đại và hoài cổ mà vẫn có thể cân bằng những sản phẩm âm nhạc?

Khán giả nhận định hoàn toàn chính xác, thậm chí đôi khi mình còn thấy mình “tối cổ” (cười).. Điện thoại tôi chỉ biết nghe gọi không biết cài đặt thứ gì, không biết sử dụng các sản phẩm công nghệ được ra đời hàng loạt, tivi nhà vẫn sử dụng chiếc Sanyo mua từ năm 1996. Tôi thích tranh sơn mài, thích đọc về di sản, danh nhân thời xưa, và đặc biệt là thích cổ nhạc cũng như những dòng âm nhạc của thế hệ trước như đã kể cùng các bạn ở trên .. nhìn chung là một người Hà Nội thuộc hệ “âm lịch”.

Một chút cái bớt “cổ” hơn chứ không dám nói là hiện đại, đó là do yêu cầu công việc, tôi vẫn phải học hỏi qua đồng nghiệp những kỹ thuật sân khấu mới, những thiết bị hỗ trợ trình diễn mới cùng những trang thiết bị mới nhất để đảm bảo sử dụng vào các đêm diễn một cách hài hòa. Sử dụng công nghệ để tôn lên giá trị vẻ đẹp của thời gian ghi dấu trên những tác phẩm nghệ thuật, đó là cách tôi lựa chọn cho mỗi đêm diễn ở bất kỳ thể loại nào...!

“Lang thang gọi/Lang thang trôi/Lang thang nói cười với miền thu phẳng lặng/Lang thang góc mùa... bình yên nên thật vắng/Lang thang nào còn cứ vội lang thang...”, còn nhiều những dòng thơ đầy cảm xúc mà anh đã viết, nó cho thấy tác giả có những rung cảm đặc biệt vào mùa thu. Cảm xúc của anh có gì đặc biệt khi mùa thu tới, nhất là mùa thu Hà Nội. Cảm xúc này có phải đã mang cho anh những ý tưởng đặc biệt trong công việc sáng tạo, dàn dựng…?

Những người làm nghệ thuật hay có trực giác hay một cảm quan dự báo mà nhà thơ Xuân Diệu đã nói là “thức trọn các giác quan”... nên mùa thu “điêu tàn” hay khiến người ta buồn trước một cảnh sắc phải nhường bước cho một mùa đông lạnh giá… Từ cảm giác ấy con người ta dễ sinh ra những tâm tư, những rung động để khi một chiếc lá đổi sắc vàng úa, cơn gió đổi hơi se lạnh là lại muốn thu mình lại, nuối tiếc cảnh sắc ngày qua, chuyển từ tâm mình mà họa thành những bức tranh, viết nên những bản nhạc và những câu thơ đầy tâm trạng ..

Tôi cũng cùng trong tâm trạng ấy, nhất là những khi thoáng thấy cô đơn trong buổi chiều thu, ấy là khi muốn nói lên những cảm xúc khó nói, và đành mượn đôi câu thơ để buông tiếng nói thay cho lòng mình... Trên thực tế là phải cảm ơn lắm những khoảnh khắc sang mùa làm cho con người ta bỗng trong hơn, nhẹ hơn, mỏng manh và cảm sâu hơn, để từ đó làm nguồn mạch cho những xúc cảm nghệ thuật, đẹp, lãng mạn và chân thành!

Những người làm nghệ thuật hay có trực giác hay một cảm quan dự báo mà nhà thơ Xuân Diệu đã nói là “thức trọn các giác quan” .. nên mùa thu “điêu tàn” hay khiến người ta buồn trước một cảnh sắc phải nhường bước cho một mùa đông lạnh giá… Từ cảm giác ấy con người ta dễ sinh ra những tâm tư, những rung động để khi một chiếc lá đổi sắc vàng úa, cơn gió đổi hơi se lạnh là lại muốn thu mình lại, nuối tiếc cảnh sắc ngày qua, chuyển từ tâm mình mà họa thành những bức tranh, viết nên những bản nhạc và những câu thơ đầy tâm trạng ...

Bảo Thoa

(thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trai-long-nghe-dao-dien-san-khau-101608.html