Trải nghiệm bị kỳ thị hình xăm của người Việt ở Nhật
Với Hoàng Thảo, hình xăm giống như tấm gương để phản chiếu nội tâm và trải nghiệm của mỗi người trong cuộc sống.
Với Hoàng Thảo, hình xăm giống như tấm gương để phản chiếu nội tâm và trải nghiệm của mỗi người trong cuộc sống.
Nguyễn Hoàng Thảo (sinh năm 1985) là giảng viên ngành Ngôn ngữ Nhật tại Đại học Hà Nội và được nhiều bạn trẻ biết đến thông qua dự án "Nói không với túi nylon". Trong cuộc trò chuyện với Zing, cô chia sẻ về câu chuyện bị kỳ thị hình xăm trong thời gian học tập và sinh sống ở Nhật.
Lần đầu tiên tôi bị kỳ thị vì 3 hình xăm nhỏ trên cổ tay là khi đang du học ở Nhật vào năm 2014. Thời điểm đấy, định kiến về hình xăm có liên quan đến giới yakuza có lẽ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Sự việc diễn ra đã lâu nhưng ký ức này vẫn luôn đeo bám tôi đến hiện tại.
Hôm đó, tôi và người bạn Philippines được thưởng một chuyến du lịch đến vùng Shizuoka, một tỉnh ngay gần Tokyo, sau khi kết thúc kỳ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thạc sĩ.
Đa số dân cư ở những khu vực xa trung tâm đều sống khá khép kín, ít cởi mở hơn người thành thị. Tôi và cô gái đi cùng là 2 người nước ngoài duy nhất ở đó.
Khi đang thư giãn ở khu bể bơi dưỡng sinh thì một nam nhân viên chạy đến, yêu cầu chúng tôi dán băng cá nhân cỡ bự lên cổ tay. Người này nói rằng chúng tôi phải che đi hình xăm để tránh gây phản cảm cho những người xung quanh.
Lúc đó, tôi khá sốc nhưng cũng làm theo vì nghĩ “nhập gia tùy tục”, tránh làm mất vui cho bạn. Nhưng cũng vì chuyện này mà tâm trạng của tôi trở nên tồi tệ trong cả chuyến đi.
Hai miếng băng to đùng khiến tôi bị chú ý nhiều hơn lúc chưa dán. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì sở dĩ ở hồ bơi đã mặc ít quần áo giờ lại còn bị mọi người xăm soi và bán tán sau lưng.
Để tránh cho người khác khó chịu thì họ lại khiến tôi thấy bản thân rất phản cảm. Tuy nhiên, tôi cũng được an ủi phần nào khi nghe lời giải thích và xin lỗi thay từ giáo viên người Nhật sau trải nghiệm như thế.
Kỷ niệm này khiến tôi nhận ra trong xã hội luôn có nhiều luồng tư tưởng đan xen nhau, không phải mọi người đều có suy nghĩ thoáng về hình xăm dù ở bất cứ đâu.
Hình xăm là động lực
Tôi có 3 hình xăm nhỏ trên cổ tay. Lần đầu tôi đi xăm là vào năm 2010, hình số 2, 3 cách sau đó khoảng 1,2 năm. Cả 3 hình đều có ý nghĩa đặc biệt với tôi.
Họa tiết đầu tiên lấy cảm hứng từ chiếc khăn tay mẹ tặng tôi hồi bé. Vì rất thích nó nên lúc nào tôi cũng mang theo bên mình. Mỗi khi nhìn mẫu thêu đấy, tôi đều nhớ lại ký ức thời còn là trẻ con ngây ngô và hồn nhiên.
Hình thứ 2 là cầu vồng, đại diện cho hy vọng và cộng đồng LGBT. Từng chứng kiến nhiều người bạn trải qua giai đoạn khó khăn để được sống là chính mình, tôi xăm hình này để ủng hộ họ. Ngoài ra, nó cũng tượng trưng cho cuộc sống của tôi - muôn màu muôn vẻ và thích được làm nhiều thứ.
Hình cuối cùng là một mảnh giấy trống để tôi có thể ghi chữ lên theo ý thích, tự khích lệ bản thân như “love” (tình yêu), “try” (cố gắng)...
Sau khi đại dịch qua đi, nếu gia đình, bạn bè đều mạnh khỏe, bình an, tôi định xăm thêm một hình nữa để đánh dấu cột mốc mới trong đời.
Là một người dễ bị tác động bởi những thứ trực quan, mỗi khi nhìn hình xăm trên cổ tay, tôi đều bồi hồi nhớ lại các trải nghiệm liên quan đến chúng để có động lực làm tốt hơn.
Tôi thường nghe mọi người nói rằng cái tên cũng ảnh hưởng một phần đến tính cách của mình. Tên là do bố mẹ mình đặt, còn hình xăm giống như một biệt danh khác do chính mình tự nghĩ ra.
Vì thế, tôi luôn dành rất nhiều thời gian cân nhắc họa tiết tiếp theo sẽ như thế nào để nó có ý nghĩa nhất.
Chỉ xăm khi chắc chắn
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong môi trường xem việc xăm là lựa chọn cá nhân, miễn điều đó không vi phạm ranh giới đúng và sai, ảnh hưởng đến người khác.
Với tôi, hình xăm đơn giản chỉ là phương tiện để thể hiện nội tâm, lối sống của bản thân một cách rõ ràng hơn. Cũng giống như việc chọn kiểu tóc, màu son hay cách ăn mặc, chúng giúp tôi bộc lộ cá tính riêng và ghi dấu kỷ niệm đẹp.
Do vậy, không vì người khác áp đặt định kiến về văn hóa xăm mình mà tôi đi ngược lại với niềm tin của bản thân.
Còn với những người kỳ thị hình xăm, tôi không nghĩ đó là một vấn đề quá xấu mà đơn thuần là vì họ sinh trưởng ở xã hội khác mình. Điều đó khiến họ hình thành những suy nghĩ và tư tưởng khác với tôi.
Tôi thường khuyên những bạn trẻ đang có ý định xăm phải hiểu rõ những thứ khắc vĩnh viễn lên cơ thể của mình.
Nếu bản thân còn phụ thuộc vào quan điểm, ý kiến của người khác thì chưa nên xăm vội. Khi nào chắn chắc rằng: “Tôi muốn xăm và có thể chịu trách nhiệm với quyết định đó” thì mới nên xăm để tránh hối hận về sau.
Trong khoảng 6,7 năm giảng dạy ở Đại học Hà Nội, nhiều sinh viên và đồng nghiệp đã hỏi về ý nghĩa hình xăm của tôi theo hướng tích cực.
Điều này khiến tôi thấy rất vui vì bây giờ mọi người đã nghĩ thoáng hơn về xăm kể cả ở môi trường sư phạm.
Chúng ta nên có cái nhìn cởi mở với cách mà người khác thể hiện cá tính, bản thân và nội tâm của họ thay vì phán xét chỉ thông qua một vài họa tiết trên cơ thể. Đó cũng là những điều mà tôi hy vọng mọi người có thể thấu hiểu và tôn trọng.