Trải nghiệm bị quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc nhờ VR
Thông qua các kính thực tế ảo (VR), người dùng nhập vai, đối mặt với những tình huống bất bình đẳng giới, kỳ thị LGBT hay phân biệt chủng tộc, từ đó đưa ra phương án giải quyết.
Được thành lập tại Los Angeles (Mỹ) vào năm 2017, công ty Vantage Point cung cấp các khóa đào tạo nhân viên dựa trên văn hóa đa dạng, hội nhập và không thiên vị.
Thông qua các kính thực tế ảo (VR), người dùng nhập vai những nhân vật trong câu chuyện được xây dựng trên sự việc có thật. Họ sẽ đối mặt với những tình huống phân biệt đối xử vô lý và phải đưa ra câu trả lời hoặc hành động phù hợp.
Morgan Mercer, người sáng lập công ty, cho biết cô từng bị phân biệt chủng tộc và giới tính. Cô muốn những người chưa từng rơi vào tình huống không mấy vui vẻ ấy được trải nghiệm và công nghệ VR sẽ giúp truyền tải thông điệp đó trọn vẹn.
“Đặt bản thân vào vị trí của người khác là cách hiệu quả để thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác ai đó dùng ngôn từ tục tĩu để gọi bạn, hoặc khiến bạn cảm thấy rùng mình mỗi khi đi qua hoặc đứng gần”, Mercer nói.
Theo kết quả nghiên cứu từ trang web tuyển dụng Glassdoor, hơn 1/3 số người tham gia khảo sát đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều từng trải nghiệm hoặc chứng kiến nạn phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Những môi trường như vậy khó lòng giữ chân được nhân viên lâu dài, nhất là đối với cộng đồng thiểu số. Trong khi đó, công ty nào có lực lượng lao động đa dạng lại càng thành công hơn.
Theo khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp ở 15 quốc gia của công ty tư vấn chiến lược McKinsey, các tập đoàn có tỷ lệ đa dạng sắc tộc hàng đầu thu được lợi nhuận cao hơn 36% so với những công ty còn lại. Ngoài ra, doanh nghiệp nào có hơn 30% lãnh đạo điều hành là nữ giới cũng có xu hướng thành công hơn.
Ban đầu, Vantage Point chỉ tập trung vào việc cung cấp khóa đào tạo chống quấy rối tình dục cho các tập đoàn. Sau một thời gian, doanh nghiệp mở rộng sang những loại thành kiến khác, bao gồm bất bình đẳng giới, kỳ thị cộng đồng LGBT hay phân biệt chủng tộc.
Mô hình khởi nghiệp này đã huy động được hơn 4 triệu USD đầu tư và hợp tác với nhiều công ty ở Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, trong đó có cả “gã khổng lồ” truyền thông Comcast, Tập đoàn luật quốc tế Latham and Watkins và Looker, công ty phân tích dữ liệu mới được Google mua lại hồi tháng 2.
Cornell Verdeja-Woodson, người đứng đầu Looker, khẳng định công ty đang hướng đến việc đa dạng hóa lực lượng lao động. Anh muốn thoát khỏi các phương pháp đào tạo nhân lực truyền thống để loại bỏ sự thiên vị vô thức vốn tồn tại lâu đời trong quá trình tuyển dụng.
“Chúng ta có thể ngồi và nói về vấn đề này cả ngày cũng được. Nhưng tới khi được tận mắt trải nghiệm, họ mới nhận ra rằng điều đó có ý nghĩa như thế nào”, Verdeja-Woodson nói.
Bên cạnh đó, anh cũng cho biết phản hồi từ nhân viên rất tích cực. Cả nhận thức về những định kiến xã hội và sự tự tin trong việc giải quyết vấn đề đều được nâng cao.