Trải nghiệm cùng Tản văn

Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật…

Cô Dương Thị Huyên và học trò Trường THCS Lê Văn Thiêm. Ảnh: NVCC

Cô Dương Thị Huyên và học trò Trường THCS Lê Văn Thiêm. Ảnh: NVCC

Trong chương trình Ngữ văn lớp 7 của Chương trình GDPT 2018 nói riêng và yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT nói chung, nhiều thể loại văn học đã được đưa vào giảng dạy. Trong đó có tản văn và tùy bút.

Đây là một trong những hoạt động dạy học lý thú, bổ ích, thiết thực góp phần phát huy năng lực và phẩm chất văn học.

Thể loại mang tính trữ tình cao

Tản văn là một thể loại phổ biến nhưng đang khá lạ lẫm với học sinh. Vậy tản văn là gì, cách viết thế nào và đặc điểm tản văn trong nền văn học Việt Nam ra sao? Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật…

Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, thể hiện rõ dấu ấn cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được bản chất của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩa mang đậm cá tính của người viết.

Tản văn là thể loại mang tính trữ tình cao. Những bài tản văn chủ yếu đều là những cảm nhận của tác giả, từ đó mượn ngôn từ để giãi bày tâm tư, tình cảm, cảm xúc nên bao giờ tản văn cũng giàu chất thơ.

Trong sáng tác tản văn đề tài có thể rất rộng, từ lịch sử, xã hội, địa lý đến triết học, nghệ thuật nhưng cốt lõi là viết về những gì xảy ra với chính mình, dù là viết về người khác vẫn là hình ảnh của mình trong đó. Vì vậy, yếu tố chân thực, chân thành luôn được đề cao như Maxim Malien từng quan niệm: “Văn cuối cùng là viết về trái tim của con người”.

Tản văn đòi hỏi những trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc cũng như phải được sàng lọc bằng lịch sử, không thể chắp vá. Tuy nhiên tản văn cũng có hơi hướng phóng túng, tự do về đề tài, lập ý, bố cục hay sử dụng các thủ pháp nghệ thuật, không theo một khuôn mẫu có sẵn, ít tính quy phạm và hạn chế bởi tản văn luôn lấy cảm nhận, giãi bày của tác giả làm trung tâm. Tất cả được các tác giả vận dụng và đưa vào bài viết một cách chân thực, ý tình nồng đậm và triết lý sâu sắc để thu hút độc giả.

Hình thức của thể loại tản văn phong phú nhưng thường dung lượng nhỏ, ngắn. Nó cũng rất linh hoạt và mang đặc điểm của nhiều thể loại khác, có thể lảnh lót như thơ, cũng có thể hoành tráng như khúc hành ca hay sinh động như các tiểu thuyết.

Đối với thể loại tản văn, tác giả không quá chú trọng vào hình tượng nhân vật như văn xuôi, không quá xem trọng tình cảm như trong thể loại văn trữ tình. Mà ở đây, tản văn mang lối viết tự nhiên, trong sáng, là những con chữ về cảm xúc chân thật nhất của tác giả, là những gì tác giả cảm nhận được, nghe được, thấu hiểu và nhìn thấy được. Cũng chính từ những điều ấy đã tạo nên một thể loại tản văn rất trong sáng về ngôn từ và rất hiện thực trong suy nghĩ cùng cách viết của tác giả.

Tản văn không phải là một thể loại thực sự phổ biến được nhiều người ưa thích. Bởi thể loại tản văn khá khó lựa chọn đề tài; đồng thời tính đúng đắn cùng hàm súc triết lý của nó yêu cầu phải chính xác. Trong khi viết tản văn, việc lựa chọn đề tài không khó, song việc tự mình viết tản văn nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp lại mang đến cái khó cho tác giả.

Chính vì vậy, đề tài rộng mở, nhưng yêu cầu tính xác thực về lịch sử đã khiến tản văn kén người viết. Và cũng từ những yêu cầu khắt khe đó, dần dần các tác phẩm được hình thành đều mang nét riêng và gần như là các tác phẩm rất xuất sắc.

Muốn viết được tản văn, cần phải là một người thực sự có cho mình những chiêm nghiệm, dấn thân riêng. Đặc biệt cần tạo cho mình một phong cách riêng khác biệt. Có như vậy, tác phẩm tản văn ra đời mới thật sự tròn trịa.

Mỗi tác phẩm tản văn đều là một kỹ năng riêng, sáng tạo riêng và là sự khẳng định to lớn nhất đối với kỹ năng viết và cảm nhận của tác giả. Qua thể loại tản văn, ta thấy rõ tài năng của tác giả, qua đó ta cũng thấy cách dùng từ, cách am hiểu và xoay chuyển điêu luyện các đề tài của người nghệ sĩ.

Tản văn với người viết trẻ?

Có thể khẳng định rằng, tản văn là thể loại văn học mà bất cứ ai cũng có thể tham gia. Học sinh rất hào hứng lối viết này. Các em dễ dàng viết ra cảm xúc trong những nhộn nhịp của đời sống hiện nay, trong lúc con người ta đang hối hả chuyện miếng cơm, manh áo, những trang tản văn trở thành những lúc lắng lòng lại để cùng nghĩ về từng giây phút con người bỏ quên hạnh phúc của mình, và bỏ quên nhau, hay ít nhất nghĩ về cuộc đời ở một tâm trạng thoải mái nhất… Tản văn hiện tại đã trở thành một thể loại đầy cuốn hút.

Sau khi hướng dẫn học sinh thực hành đọc hiểu bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương (Ngữ văn lớp 7 – Cánh Diều – tập 2) tôi đã cho học sinh tiến hành các hoạt động luyện tập, củng cố trong đó có hoạt động Trải nghiệm cùng tản văn.

Trong tiết hoạt động này các em vô cùng hào hứng với những chia sẻ hiểu biết của mình về thể loại tản văn, phân biệt sự giống và khác nhau giữa tản văn và tùy bút. Cũng từ đó các em được thể hiện kỹ năng viết tản văn cùng với những cảm xúc của bản thân qua thử thách: Tập sáng tác tản văn: Đề tài: Ngày phố dịu dàng

Và sau đây là một số tác phẩm của học sinh:

Bài 1: Ngày phố dịu dàng

Giữa dòng người tấp nập của phố phường, tôi chợt cảm nhận được một mùi hương rất quen thuộc - hương xoài - sự báo hiệu mùa Hè đang dần đến. Hè bắt đầu vào tháng 3 nhưng đối với tôi, hè chỉ thật sự bắt đầu khi nắng nhẹ nhàng chiếu đến vào khoảng đầu tháng 4. Hè đến cũng là lúc tôi chuẩn bị làm bài kiểm tra cuối cùng để có thể thả mình vào thiên nhiên. Nó truyền cho tôi một năng lượng mới giống như cách những cơn gió nhẹ nhàng xâm chiếm thành phố Hà Tĩnh nhỏ bé này.

Những ngày này, khắp phố phường được chiếu sáng bằng những tia nắng Mặt trời giống như những viên pha lê soi rọi khắp muôn nhà. Những bông hoa e ấp nở như vẫn còn vương vấn với giấc ngủ của mình. Hè đến là lúc tôi có thể ngồi nghe tiếng ve xuyên đêm và cũng có thể ngồi ngắm ánh nắng lung linh của Mặt trời. Chúng gợi cho tôi nhớ về những tháng hè ở quê ngoại.

Ở đó, tôi có thể chạy nhảy xuyên trưa cùng đám bạn mà không sợ gì cả, có thể vi vu từ vùng đất này sang vùng đất khác. Tôi không quên được những trưa hè nắng oi ả mà da diết. Nhớ lắm cánh diều mà tôi cùng đám bạn rủ nhau thả mỗi chiều. Hằn mãi trong tâm trí tôi sẽ là hình ảnh những cánh diều bay bổng trên trời cao mà trong đó chứa cả ước mơ ngày nắng có cả ước mơ của ngày mưa.

Năm nào cũng vậy, cứ độ này là nắng sẽ về. Nắng về trườn qua ô cửa sổ nhỏ bên bàn học của tôi, hắt vào trang sách những ánh sáng rực rỡ vô cùng. Giờ đây, sau bao ngày đất trời ẩm ương thì vạn vật lại được chào đón một nguồn ánh sáng vô cùng đặc biệt.

Nó làm dịu đi cái lạnh của mùa Đông, của những cơn mưa phùn hay đơn thuần là sương sớm. Nắng lên, thành phố cũng nhộn nhịp hơn, tiếng động cơ hoạt động nhiều hơn,… và cả những yêu thương cũng nhiều hơn. Tôi có cảm giác năm nay hè đến nhẹ nhàng hơn. Tuy không cầu kì, diễm lệ nhưng cũng đủ để lại trong ta một thứ cảm xúc gì đó khó tả, lạ lùng vô cùng.

Rồi đây, nắng sẽ qua, mưa lại đến nhưng sẽ đọng mãi trong tâm trí tôi là hình ảnh một con đường đầy hoa xoài như trong cổ tích, thấp thoáng trong đó là những chùm quả xoài bé tí ti, là hình ảnh của những ngày nắng trong thành phố.

Cũng sẽ in mãi trên con đường ấy là bước chân của tôi, mỗi bước chân đó lại khiến tôi nao nao một nỗi khó tả. Cũng sẽ còn mãi trong tâm trí tôi là hình ảnh của những cánh diều chở gió, chở ước mơ của tôi và cũng chở cả những vạt nắng của thành phố vào một ngày phố thật dịu dàng…

(Đoàn Nguyễn Tâm Nhi – Lớp 7a6 Trường THCS Lê Văn Thiêm)

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Bài 2: Ngày phố dịu dàng

Sau những ngày se lạnh và mưa phùn rả rích của những ngày cuối xuân thì giờ đây đã trả lại cho thành phố của tôi một bầu không khí mát mẻ, dịu dàng. Bầu không khí dịu nhẹ này thật khiến người ta đầy những cảm xúc.

Những buổi sáng tinh mơ như này thật dễ chịu biết bao, không phải chịu như những ngày dài rét mướt của mùa Đông hay những ngày nóng bức bội của cuối mùa Hè. Chú gà trống đã sớm thức giấc trong buổi bình minh lộng gió để cất tiếng gáy của mình đánh thức mọi người dậy.

Những chú chim cũng đã hót líu lo từ rất sớm, hay cả ông Mặt trời từ xa kia chắc cũng đã nghe thấy những âm thanh thân thuộc ấy cất lên mà thức giấc sớm hơn mọi ngày. Mở khung cửa sổ ra, tận hưởng không khí trong lành vào buổi sáng, ngắm nhìn xung quanh.

Thành phố lúc này thật đẹp, đẹp như nàng thiếu nữ! Những làn gió nhè nhẹ cũng đã thức giấc nhảy xuống trên những tán lá, nhẹ nhàng luồn qua những cây xoài đưa hương thơm ấy lan tỏa khắp thành phố, xuyên qua khung cửa sổ phòng tôi. Những làn gió nhẹ cũng ghé xuống mặt hồ làm những gợn sóng giật mình lay động.

Bước ra khỏi cánh cửa nhà, cứ quyến luyến mãi những làn gió luồn qua tóc tôi thật nhẹ nhàng. Tôi chợt nhận ra thành phố như sống chậm lại, xe cộ cũng thảnh thơi hơn thường ngày. Ai cũng như rạng rỡ hơn. Đứng bên hồ với mặt nước xanh trong thật thoải mái làm sao! Lòng tôi chơi vơi, cứ thế mà ngắm nhìn mãi cái bầu trời xanh ngắt này.

Thời gian trôi qua, xe cộ cũng dần đông hơn, chắc cũng đến lúc chào tạm biệt cái buổi sáng dễ chịu này mà chào đón cái buổi trưa đầy những ánh nắng Mặt trời. Buổi trưa nằm trên cái võng đong đưa ngoài sân, ngắm nhìn khung cảnh ấm áp, đôi mắt tôi dần nặng trĩu, ánh mắt tôi cũng dần khép lại.

Thấp thoáng trong cành xanh những bông phượng, bông bàng đầu mùa cũng dần hé nở ra giữa khoảng không vắng vẻ của buổi trưa này. Những tiếng võng kẽo kẹt cũng vang lên đều đều làm lòng tôi thêm phần cảm xúc nào đó nhớ về tuổi ấu thơ, khi hai bà cháu nằm trên cánh võng ở quê nội.

Lúc đó, những làn gió nhẹ luồn qua gáy tôi, như thể một phần cơ thể mình đang hòa lẫn vào những ánh nắng ban trưa, hòa vào những âm thanh ngọt ngào của những chú chim sẻ đậu bên cửa sổ.

Cái nắng của ban trưa chợt tan biến, cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ thật êm ả trong tiếng võng đưa kẽo kẹt. Nắng nhạt dần, trời cũng đã gần về tối. Những ánh đèn điện cũng đã sáng lên, Mặt trời đã tắt ánh sáng của mình mà nhường chỗ cho vầng trăng tỏa sáng.

Những làn gió mát lạnh luồn qua tóc tôi. Hôm nay, có lẽ là những ngôi sao xuất hiện nhiều hơn thường ngày, tỏa ra loại ánh sáng che hết những đám mây đen ngoài kia. Những cơn gió như lạnh hơn.

Tôi ra ngoài đi dạo quanh thành phố, gió thổi qua mát mẻ hơn buổi sáng thật nhiều. Ánh sáng đẹp nhất đêm này, kì diệu nhất đêm nay chính là ánh sáng phát ra từ vầng trăng tỏa sáng ngoài kia, như thể có thể soi vào trái tim mỗi người vậy.

Ánh sao làm bầu trời đen mượt như nhung có thêm điểm nhấn, nó tỏa ra loại ánh sáng như phép màu thật kì diệu. Vẻ đẹp trên bầu trời huyền bí tối nay như xâm chiếm cả tâm trí tôi, khiến tôi cứ ngắm mãi mà không rời mắt. Ánh sáng của mảng trời tỏa ra chiếu xuống mặt hồ một cách diệu kì, màu đen tuyền kết hợp vào đó là màu tím hòa lẫn vào nhau tạo ra được một sắc đẹp bí ẩn đến lạ thường.

Cứ ngắm mãi bầu trời mà không chớp mắt, rồi một lúc lâu cũng đến giờ phải chào tạm biệt bầu trời đêm mà kết thúc một ngày với một giấc ngủ ngon. Một bầu không khí dịu dàng, ấm áp của thành phố của một ngày đầu hạ nhẹ nhàng đọng lại trong trái tim tôi.

(Trần Thị Phương Thảo – Lớp 7a6 Trường THCS Lê Văn Thiêm)

Dương thị Huyên (Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trai-nghiem-cung-tan-van-post646608.html