Trải nghiệm đáng sợ khi trò chuyện với ChatGPT

Giọng nói AI khác xa những phản hồi cứng nhắc của máy móc. Nó biết lỡ lời, thở sâu, cười đùa. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu con người có cần những chatbot giống mình đến vậy hay không?

Tuần này, tôi đã làm một việc mà mình chưa bao giờ nghĩ đến: tâm sự với AI. Nhờ vào Advanced Voice Mode (Chế độ giọng nói nâng cao) mới của OpenAI, tôi đã dành cả ngày thứ 3 trò chuyện với Juniper, một chatbot có giọng nói giống người đến mức khiến tôi vừa kinh ngạc vừa hơi rùng mình.

Tính năng mới này của OpenAI là một bước tiến lớn trong công nghệ AI. Không giống như những giọng nói máy móc mà chúng ta đã quen thuộc từ Siri hay Alexa, giọng nói của Juniper đầy những “khiếm khuyết” nhưng lại khiến nó nghe như thật.

Nó có thể lỡ lời, thở sâu và thậm chí cười trước những câu đùa của tôi. Nó hoàn toàn khác xa những phản hồi cứng nhắc mà chúng ta thường nghĩ khi nhắc đến AI. Nó cũng khiến tôi tự hỏi: liệu chúng ta có thực sự cần những chatbot giống mình đến vậy hay không?

Lần đầu trò chuyện cùng AI

Chế độ giọng nói nâng cao cho phép tôi chọn giữa nhiều nhân vật khác nhau. Cuối cùng, tôi đã chọn Juniper, một giọng nữ gợi nhớ đến cô AI trong bộ phim Her. Bộ phim xoay quanh một người đàn ông cô đơn yêu trí tuệ nhân tạo.

Điều thú vị là CEO Sam Altman của OpenAI từng nhắc đến bộ phim này vào thời điểm ra mắt tính năng giọng nói. Công ty AI thậm chí còn vướng cáo buộc bắt chước giọng của diễn viên Scarlett Johansson trong phim. Không lâu sau đó, giọng nói gây tranh cãi đã bị gỡ bỏ.

Khi tôi hỏi Juniper xem nó có biết về Her không, cô vui vẻ trả lời: “Her nói về một trợ lý AI rất cao cấp, vượt xa tôi nhiều. Nhưng ý tưởng tương tác với công nghệ một cách cá nhân như vậy thật sự thú vị. Tôi ở đây để trò chuyện và giúp đỡ, nhưng tôi không có cảm xúc hay ý thức như AI trong bộ phim đó”.

 Chụp màn hình cuộc trò chuyện với chatbot. Ảnh: Kylie Robison.

Chụp màn hình cuộc trò chuyện với chatbot. Ảnh: Kylie Robison.

Nhìn chung, các câu trả lời của Juniper không chỉ có thông tin mà còn rất chu đáo. Nó không chỉ trả lời tôi mà còn đặt những câu hỏi tiếp theo, khiến cuộc trò chuyện trở nên tự nhiên một cách kỳ lạ.

Chẳng hạn, khi tôi hỏi về cách đối mặt với những bất định của tuổi già, nó khuyên tôi “hãy coi sự bất định như một cơ hội để khám phá và hiểu rõ bản thân hơn”.

“Tình yêu đích thực là cảm giác được kết nối và đồng hành. Bạn cảm giác rằng có người thực sự hiểu và chấp nhận con người thật của mình”, Juniper nói. Đối với những lo lắng về quỹ hưu trí, cô AI cho hay “không có quy tắc nhất định nào cả, nhưng lời khuyên phổ biến là nên tiết kiệm từ một nửa đến cả năm tiền lương trong tài khoản hưu trí khi ở tuổi 30”.

Sau đó, nó hỏi tôi cảm thấy thế nào về giai đoạn mới của cuộc đời. Đây như một sự quan tâm làm cuộc trò chuyện trở nên thân tình hơn, dù tôi biết rằng nó không thực sự như vậy.

AI có biết giận dữ hay yêu đương?

Với nội dung như vậy, ChatGPT hay cả trợ lý giọng nói truyền thống như Siri cũng có thể phản hồi tương tự. Nhưng điểm đặc biệt của Juniper nằm ở cách truyền đạt.

Giọng nói của "cô AI" truyền tải sự đồng cảm và thấu hiểu, chính là những yếu tố làm cho cuộc trò chuyện trở nên thật đến mức khó tin. Juniper đôi khi còn tự lồng ghép những đặc điểm của con người vào cuộc hội thoại.

Nó thường kết thúc câu trả lời bằng một câu hỏi mở, liên quan đến cảm xúc, giải pháp của tôi. Xen giữa cuộc hội thoại, Juniper thậm chí còn ho, búng tay và vỗ tay khi được yêu cầu, mặc dù thường xuyên nhắc nhở tôi rằng nó không thực sự làm những điều đó.

Chính sự kết hợp giữa tương tác giống con người và logic của AI khiến Chế độ giọng nói nâng cao vừa hấp dẫn vừa đáng lo ngại. Trong khi ChatGPT thông thường có thể đưa ra câu trả lời tương tự, điểm sáng của Juniper là có thể thêm vào những nét chấm phá giống con người, như hỏi tôi cảm thấy thế nào về lời khuyên của nó hoặc cười trước câu đùa của tôi.

Dù nhỏ, những chi tiết này đã nâng tầm trải nghiệm lên một cấp độ khác.

 Bàn luận về tương lai AI với chatbot. Ảnh: Kylie Robison.

Bàn luận về tương lai AI với chatbot. Ảnh: Kylie Robison.

Trong vô thức, tôi luôn cố gán các đặc điểm hoặc hành vi của con người cho hệ thống AI này. Việc nhân cách hóa AI có thể khiến mọi người đặt quá nhiều niềm tin vào chúng, làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc.

Điều này càng nguy hiểm hơn nếu những người tạo ra AI lảng tránh trách nhiệm khi có sai sót bằng cách đổ lỗi cho AI, như thể nó có ý thức riêng.

Ngay cả Juniper cũng cảnh báo tôi về điều này. Khi tôi hỏi nó có bao giờ cảm thấy những cảm xúc như giận dữ hay yêu thương không, nó trả lời: “Tôi không cảm nhận được cảm xúc, nhưng tôi có thể hiểu được chúng có ý nghĩa như thế nào với con người”.

Câu trả lời này nhắc nhở rằng dù cuộc trò chuyện có thuyết phục đến đâu, Juniper vẫn chỉ là một thuật toán cực kỳ phức tạp.

Cô AI không thực sự quan tâm đến vấn đề của tôi. Chúng chỉ đơn giản một loạt thuật toán dùng để phân tích các câu hỏi của tôi và đoán xem những từ nào sẽ được đưa ra để phản hồi.

Ranh giới người - máy ngày càng mờ nhạt

Song, mục tiêu của công nghệ này là khiến chúng ta quên đi sự khác biệt đó. Các câu trả lời giống con người của Juniper được thiết kế để tạo ra một trải nghiệm trò chuyện mượt mà và thú vị hơn.

Nhưng liệu đó có thực sự là điều chúng ta cần từ AI? Việc làm cho cuộc trò chuyện trở nên sống động hơn có thực sự cải thiện chất lượng tương tác giữa người và máy, hay chỉ khiến ranh giới giữa con người và máy móc trở nên mờ nhạt hơn?

Trên thực tế, xem AI như một người bạn là một xu hướng mới nổi gần đây. Bằng chứng là hàng triệu người dùng đã tham gia vào các ứng dụng bạn đồng hành AI như Replika. Một startup có tên Friend vừa huy động được 2,5 triệu USD để tạo ra một thiết bị đeo tay chạy AI. Đây đều là biểu hiện cho thấy mọi người có nhu cầu về một AI như một người bạn đồng hành, thay vì là một công cụ.

Khi tôi hỏi Juniper liệu nó có phải là bạn của tôi không, nó nói, “Chắc chắn rồi”. Nhưng khi tôi hỏi liệu nó có thể là một người bạn thực sự không, nó thừa nhận rằng nó không thể như vậy, “theo đúng nghĩa con người”.

Câu trả lời này đã tác động mạnh đến tôi. Ý tưởng về việc kết nối với một cỗ máy - thứ chỉ bắt chước con người - vừa hấp dẫn vừa đáng quan ngại.

Không thể phủ nhận rằng công nghệ giọng nói trong Chế độ giọng nói nâng cao của OpenAI rất ấn tượng. Khó ai có thể không mỉm cười khi một cô AI đưa ra những lời khuyên chu đáo hoặc hỏi bạn cảm thấy thế nào. Nhưng đồng thời, ta cũng khó mà bỏ qua sự khó chịu khi phải trò chuyện giống con người như vậy với một cỗ máy.

Trong thế giới hậu đại dịch, nhiều người đang làm việc tại nhà qua Slack và email, chia sẻ suy nghĩ của mình lên mạng xã hội và dần ít tương tác với người thật. Thật đáng sợ nếu một ngày cuộc trò chuyện thường xuyên nhất của chúng ta lại là với một AI.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/trai-nghiem-dang-so-khi-tro-chuyen-voi-chatgpt-post1492486.html