Trải nghiệm học ngành địa chất khoáng sản tại Australia
Là du học sinh theo diện học bổng Chính phủ Australia (AAS), Lê Xuân Trường đã có những trải nghiệm khó quên ở đất nước này.
Những trải nghiệm thú vị
Lê Xuân Trường Anh đã hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành Địa chất (Chuyên ngành Địa chất Khoáng sản) tại Đại học James Cook đầu năm 2022. Đây là lần thứ hai TS Lê Xuân Trường du học tại Australia, nhưng những trải nghiệm lần này khác rất nhiều so với trước (2012-2014). Anh muốn gửi gắm đến các học viên AAS tương lai một số thông điệp quan trọng nhất.
Cụ thể, công việc học tập và nghiên cứu tại Úc rất vất vả nhưng đầy thú vị. Là nghiên nghiên cứu sinh (NCS), công việc thực chất là tự nghiên cứu và học tập, với sự hướng dẫn và giám sát của các thầy giáo. Anh đã chủ động bố trí lịch làm việc và sắp xếp thời gian để hoàn thành đề tài nghiên cứu trong thời gian 4 năm.
Nếu gặp khó khăn và cần hỗ trợ sẽ được các thầy hướng dẫn giải quyết. Đồng nghiệp và nhà trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để NCS, cũng như các sinh viên hoàn thành khóa học của mình ở mức tốt nhất có thể. "Nói tóm lại, NCS hoặc sinh viên luôn được coi là trọng tâm của chương trình đào tạo"- TS Lê Xuân Trường bày tỏ và chia sẻ về vượt khó trong dịch bệnh.
Dịch bệnh không gây ảnh hưởng nhiều đến chương trình học tập ngoài việc kéo dài thời gian nghiên cứu do phòng thí nghiệm bị đóng cửa một thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc học tập và nghiên cứu.
Cách vượt qua khó khăn
Mỗi du học sinh có hoàn cảnh riêng và các khó khăn khác nhau, nhưng với đa số thì khó khăn lớn nhất chính là hoàn thành chương trình học tập đã đề ra với kết quả tốt nhất có thể.
Để vượt qua khó khăn này, cách duy nhất là nỗ lực làm việc và tăng cường trao đổi học thuật với thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè quốc tế. "Tôi thường làm việc 10-12 giờ/ngày, thậm chí 15-16h/ngày giai đoạn chuẩn bị nộp luận án"- TS Lê Xuân Trường chia sẻ, đồng thời cho biết: việc hòa nhập văn hóa Australia, thích nghi với môi trường đa văn hóa cũng là một khó khăn khác của nhiều du học sinh không chỉ đến từ Việt Nam mà từ nhiều nước khác.
Không phải cứ nói chuyện vui vẻ, giao tiếp bình thường trong công việc là đã hòa nhập tốt được văn hóa Australia. Họ có văn hóa và lịch sử riêng. Trong từng góc cạnh của cuộc sống, có những quy tắc ứng xử bất thành văn. Nếu hiểu và hòa nhập sâu thì càng tốt, nhưng nếu chưa hiểu và có những sơ xuất thì cũng không sao nếu như chúng ta trung thực và chân thành.
Nếu chưa thể về nước sau khi hoàn thành khóa học, du học sinh AAS được chính phủ Australia hỗ trợ visa ở lại và sinh hoạt phí như thời gian học tập, đồng thời hỗ trợ các con ở lại và học tập như thời gian trước dịch.
“Với tôi, có hai điều đáng đề cập nhất là: Thứ nhất, vượt qua những rào cản của bản thân, tốt nghiệp và nhận bằng tiến sỹ tại Australia, cùng với các kết quả nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới là điều đáng tự hào nhất. Thứ hai, được cùng gia đình trải nghiệm cuộc sống, học tập và làm việc tại một đất nước đẹp và văn minh như Australia trong gần 6 năm” – TS Lê Xuân Trường bật mí.
TS Lê Xuân Trường hiện là giảng viên ngành địa chất khoáng sản, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội). Dự định thời gian tới, TS sẽ tiếp tục làm việc và đóng góp cho sự phát triển của ngành địa chất khoáng sản ở Việt Nam. Cùng với đó, tham gia, chia sẻ, trao đổi và học hỏi từ đồng nghiệp trong nước và quốc tế, bao gồm các đối tác Australia, trong lĩnh vực khoa học địa chất. TS Lê Xuân Trường cũng mong muốn chuyển giao thật nhiều kiến thức mới cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh tại Việt Nam.