Trải nghiệm Hyundai Tucson trong thử thách đường xấu Rally

Khối động cơ tăng áp cùng hệ thống dẫn động 4 bánh của Tucson 2024 đáp ứng thế nào trong môi trường vận hành khắc nghiệt của thử thách Rally?

Hyundai Tucson không phải là một cái tên xa lạ trong phân khúc SUV tầm giá dưới một tỷ đồng.

Giữa tháng 10, phiên bản mới nhất của Tucson ra mắt tại Việt Nam với khá nhiều thay đổi. Để trải nghiệm mẫu xe mới, hãng xe Hàn Quốc quyết định tổ chức một hành trình khó cho Tucson, với thể thức Rally.

Thể thức trải nghiệm này được đánh giá không quá phù hợp với một chiếc SUV đô thị có vẻ ngoài "lãng tử" như Tucson. Vậy cái tên này sẽ thể hiện thế nào trong một thử thách "hardcore" như vậy?

Trải nghiệm Rally mới mẻ

Rally bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn tại Việt Nam trong 3 năm gần đây. Bộ môn này "được lòng" những người mê xe nhờ thể thức mới mẻ, có khả năng đẩy xe đến giới hạn mà người cầm lái chưa từng trải nghiệm.

Tất nhiên với Hyundai Tucson không được nâng cấp và những tay lái "bình thường", trải nghiệm Rally cũng có luật chơi riêng nhằm đảm bảo độ an toàn. Vẫn là những cung đường đất-đá-sỏi hay đường nhựa cũ kỹ, vẫn là những màn dẫn đường thủ công với sự giúp sức của người trợ lái (co-driver) ngồi bên ghế phụ, tốc độ của trải nghiệm Rally này được giới hạn ở mức tuân thủ luật giao thông.

Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thực tế đây là thử thách về cách xử lý tình huống, kỹ năng "cầm vô lăng" của mỗi người lái. Việc chạy 60 km/h ở đường hẹp, mặt đường không hoàn hảo và "mù đường" là thách thức với bất kỳ tài xế nào. Từng chặng đường của trải nghiệm Rally, hay còn gọi là SS, mang đến những trải nghiệm khác nhau nhờ địa hình và thời tiết.

Rally là trải nghiệm mới, thử thách những chiếc xe đến giới hạn người lái cũng không biết trước.

Anh Dũng Tâm - đại diện Việt Nam thi đấu tại giải AXCR 2023 và 2024

Ở SS1, người lái sẽ được thử thách về cách vận hành Tucson trong đường hẹp, sỏi đá. Chặng 2 tại Khe Sanh (Quảng Trị) là nơi chúng tôi thử sức với những khúc cua gắt, dốc cao. Chặng SS3 cuối tại Huế đòi hỏi người lái cần có sự bình tĩnh khi đi qua những đoạn đường đất, bùn lầy.

Roadbook là thứ chỉ đường duy nhất trong trải nghiệm Rally, và cũng là thứ khiến nhiều đội lạc đường hàng cả giờ và "ngậm ngùi" DNF (không hoàn thành thử thách).

Trải nghiệm chiếc SUV cỡ C của Hyundai trong trải nghiệm Rally giúp tôi cảm nhận rõ hơn về sức mạnh, độ chắc chắn và ổn định của hệ thống khung gầm và tính năng lái, công nghệ an toàn.

Ngược lại, việc chạy xe ở điều kiện đường xấu khiến chiếc xe luôn ở độ ồn tối đa và khó đánh giá được khả năng cách âm thực tế của mẫu xe này.

Ngoài việc đưa chiếc Tucson tới giới hạn nhất định qua cung đường khó, trải nghiệm Rally còn mang lại cho tài xế không ít bài học về lái xe an toàn, xử lý các tình huống bất ngờ và cả văn hóa lái xe, thứ còn thiếu ở Việt Nam

"Stop and go", thuật ngữ quen thuộc tại các quốc gia, yêu cầu người lái phải dừng xe hoàn toàn trước mỗi nút giao nhằm đảm bảo an toàn, sau đó mới bắt đầu đạp chân ga trở lại. Đây là văn hóa giao thông quan trọng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhưng chưa được áp dụng tốt tại Việt Nam.

Trải nghiệm Rally với Tucson xe lồng ghép "Stop and go" như một lệnh bắt buộc phải thực hiện trên Roadmap, như cách lan tỏa ý thức lái xe "văn minh" hơn.

Tucson có quá sức với Rally?

Về lý thuyết, ôtô nào cũng chạy được Rally, quan trọng là vận tốc và độ phù hợp ở mỗi cung đường. Trong dải sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, Tucson là chiếc xe gầm cao nhỏ gọn vừa đủ, tiên phong tham gia thử thách "hardcore".

Kích thước dài x rộng x cao của Hyundai Tucson 2024 lần lượt là 4.640 x 1.865 x 1.665 mm, chiều dài cơ sở 2.755 mm. Khoảng sáng gầm 181 mm, đủ để di chuyển qua các mố cầu hay vượt qua những hố lớn.

Chiếc Tucson tôi trải nghiệm trong chuyến hành trình này là bản 1.6 Turbo. Khối động cơ cho công suất cực đại 180 mã lực tại 5.500 vòng/phút cùng mô men xoắn cực đại 265 Nm. Đi cùng với nó là hộp số 7 cấp ly hợp kép.

Hệ thống treo của Tucson 2024 sẽ phù hợp với đường bằng phẳng, cao tốc hơn là những khu vực địa hình đồi núi

Anh Lê Hùng - AutoDaily

Hệ dẫn động 4 bánh của Tucson không đặc biệt so với những cái tên còn lại của phân khúc. Tuy nhiên đây là mẫu xe duy nhất sở hữu khóa vi sai trung tâm, biến chiếc xe phù hợp hơn với địa hình Rally, chủ yếu là đường xấu.

Khi di chuyển trong khu vực đông dân cư với mức vận tốc khoảng 40 km/h, Tucson vận hành êm ái nhưng bắt đầu có độ trễ nhất định khi đạp ga lên mốc hơn 60 km/h.

Khi chạy ở tốc độ thấp, hệ thống giới hạn tốc độ (LIM) của Tucson cho phép người dùng giữ tốc độ cài đặt, nhưng có thể vượt qua giới hạn khi đạp mạnh chân ga, nhằm đảm bảo tài xế có thể làm chủ tốc độ trong trường hợp cần thiết. Trong hành trình Rally với nhiều hồi hộp cho người lái, những chiếc xe thường gặp trường hợp chạy quá tốc độ LIM khi người lái đạp mạnh chân ga. Cruise control lúc này trở thành lựa chọn hợp lý hơn và dễ sử dụng hơn với nhiều tay lái.

Ở những cung đường dốc 10-12%, bộ máy 1.6 Turbo của Tucson cũng mất thời gian để đạt được công suất như kỳ vọng.

Khi chạy ở tốc độ cao khoảng 80-100 km/h, Tucson duy trì sức mạnh ở mức khá, dễ dàng làm chủ tốc độ cũng như kiểm soát chiếc xe.

Hệ thống cân bằng điện tử can thiệp ở nhiều thời điểm để giữ cho chiếc xe ở trạng thái an toàn nhất đôi lúc khiến Tucson chưa thể "phô diễn" hết khả năng. Vì vậy, nhiều tay lái trong chuyến hành trình này đã chọn cách tắt chế độ cân bằng điện tử để cải thiện cảm giác lái.

Hệ thống treo trước kiểu Macpherson và hệ thống treo sau liên kết đa điểm của Tucson 2024 được đánh giá chắc chắn so với tầm giá nhưng không quá xuất sắc với những đoạn đường đèo vì vẫn có sự bồng bềnh nhất định.

Phản hồi vô lăng ở đa số cung đường đều cho cảm giác tương đồng nhờ hệ thống trợ lực điện. Ở những đoạn gồ ghề hay hố to, người dùng dễ dàng điều hướng xe mà không gặp nhiều khó khăn.

Trong thử thách thực tế, các đội đều về đích an toàn, dù có một vài "sứt mẻ" không thể tránh khỏi. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế đây là một chuyến trải nghiệm Rally, bởi nếu xuất hiện tại một cuộc đua Rally "chuẩn", Tucson sẽ cần có nhiều nâng cấp về mặt trang bị cũng như người lái để có thể về đich an toàn.

Tucson vận hành trong đô thị thế nào?

Dù "sống sót" qua một hành trình Rally, Tucson vẫn phù hợp với khu vực nội đô hơn đường sỏi đá, gồ ghề. Người chọn mua Tucson sẽ ít dùng nó để đi off-road, và người đi off-road, cũng không đưa mẫu SUV này vào danh sách yêu thích.

Thiết kế được thay đổi, hầm hố nhưng đây vẫn là một chiếc SUV Hàn Quốc, mềm mại với các đường bo cong vòng xung quanh thân xe. Ngoại hình lãng tử cùng kích thước nhỏ gọn, gầm cao là ưu thế của mẫu xe khi di chuyển qua các khu vực ngập nước trong thành phố.

Nội thất và công nghệ đủ để hỗ trợ người lái cũng như giải trí khi đi đường. Không gian cabin rộng rãi nhưng hàng ghế sau không quá thoải mái cho người ngồi do không thể điều chỉnh độ ngả lưng.

 Hyundai Tucson 2024.

Hyundai Tucson 2024.

Xét trong cùng phân khúc, khoảng giá 769-989 triệu của Hyundai Tucson mới không chênh lệch nhiều so với các đối thủ như Mazda CX-5 (749-979 triệu), Ford Territory (799-929 triệu) hay Kia Sportage (779-999 triệu đồng), giúp mẫu xe tăng tính cạnh tranh.

Nếu nói riêng về trải nghiệm trên đường xấu, một lựa chọn đáng nhắc rất có thể là đàn anh của Tucson, Santa Fe khi bản thế hệ mới ra mắt cách đây không lâu đã được chuyển sang ngoại hình hầm hố cùng bộ máy mạnh hơn.

Ngoài ra, cái tên đến từ Trung Quốc Omoda Jaecoo J7 sắp ra mắt cũng là cái tên phù hợp cho những chuyến trải nghiệm "hạng nặng" thay cho một chiến binh "đô thị" như Hyundai Tucson 2024.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/trai-nghiem-hyundai-tucson-trong-thu-thach-duong-xau-rally-post1505623.html