Trải nghiệm livestream mua bán sách

Cùng với sự nở rộ của các kênh thương mại điện tử, thời gian gần đây, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã tìm đến hình thức livestream bán sách trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada. Hình thức này đang được xem là mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.

Không chỉ bán được sách, livestream còn là hình thức giao lưu trực tiếp, từ đó đưa thương hiệu đến gần hơn với bạn đọc

Không chỉ bán được sách, livestream còn là hình thức giao lưu trực tiếp, từ đó đưa thương hiệu đến gần hơn với bạn đọc

Khi TikTok cùng vào cuộc

Vào tháng 11-2023, với mong muốn đồng hành và đẩy mạnh sự phát triển của thị trường sách tại Việt Nam, TikTok cùng Hội Xuất bản Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai “Ngày #BookTok” định kỳ mỗi tháng. Một trong những hoạt động đáng chú ý là hỗ trợ 48 nhà xuất bản (NXB) tham gia, tìm hiểu các công cụ để bán hàng hiệu quả và tổ chức các chiến dịch dành riêng cho ngành hàng sách trên TikTok Shop vào ngày 21 hàng tháng...

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc TikTok Việt Nam, trong giai đoạn này, đội ngũ TikTok Shop sẽ tập trung hỗ trợ các đơn vị phát hành sách gia nhập nền tảng thương mại điện tử, hướng dẫn các kỹ năng về truyền thông, vận hành, quản lý đơn hàng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sách, cải thiện doanh số và tung hàng loạt voucher, khuyến mãi độc quyền để người dùng yên tâm mua đọc những cuốn sách yêu thích. “Phát huy những thành công từ chiến dịch #BookTok toàn cầu, tại Việt Nam, TikTok đặt mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc cũng như mở ra cơ hội tiềm năng cho ngành xuất bản. Qua đó chung tay tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng tác giả, kết nối độc giả và gia tăng doanh số cho những đơn vị phát hành”, ông Nguyễn Lâm Thanh nói thêm.

Là một đơn vị còn non trẻ nhưng đầy nhanh nhạy, từ tháng 4-2023, Công ty sách Lionbooks bắt đầu thực hiện livestream bán sách trên nền tảng TikTok. Chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, Giám đốc Lionbooks, cho biết: “Đó là thời điểm các kênh phân phối truyền thống bắt đầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tệp khách hàng mới và chúng tôi buộc phải tạo dựng kênh bán của riêng mình. Phương án livestream được chọn bởi đây là hình thức bán hàng mà mình có thể tiếp xúc trực tiếp với người đọc, có hiệu quả nhanh và cũng rất tiết kiệm về kinh phí đầu tư”.

Cũng theo chị Chiều Xuân, ban đầu, việc livestream rất đơn sơ, chỉ cần có nhân sự, một chiếc điện thoại, micro. Tuy nhiên, quá trình livestream ngày càng chuyên nghiệp để mang đến người xem trải nghiệm tốt nhất về không gian, hình ảnh, ánh sáng… đòi hỏi sự chuẩn bị cũng công phu hơn. Đặc biệt là trước mỗi buổi livestream, nhân sự cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm để giới thiệu và tư vấn cho khách hàng.

Phương thức đầy tiềm năng

Một trong những điểm nhấn của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại TPHCM là các NXB, đơn vị phát hành tổ chức các phiên livestream giới thiệu sách, giao lưu với bạn đọc trên nền tảng TikTok. Ngoài sự chủ động từ các đơn vị, ban tổ chức còn chuẩn bị một khu vực riêng để các đơn vị chưa có điều kiện mua sắm công cụ có thể thực hiện livestream ngay tại không gian này. Kết thúc hội sách, đã có hơn 120 phiên livestream của các cửa hàng, nhà sách với hơn 10.000 đơn hàng sách đã được thực hiện trên TikTok Shop trong thời gian này.

Cũng tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, Sbooks được xem là đơn vị bắt nhịp xu hướng và đã có những thành tích đáng kể. Chỉ trong tối 19-4, phiên livestream của đơn vị này đã có hơn 150.000 lượt xem, lượt xem cao nhất tại một thời điểm là 1.000 lượt, đẩy doanh thu tăng gấp 7 lần so với mức KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) tự đặt ra ban đầu. Riêng phiên livestream trước ngày khai mạc, tổng doanh thu mà đơn vị này đạt được là 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sbooks, cho biết: “Đây không phải một phương thức quá mới, nhưng trong ngành sách, livestream vẫn chưa được xem là một phương thức được ưu tiên trong việc tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, ngày nay, người dùng đang có xu hướng thương mại hóa hành vi tiêu dùng, vì thế, livestream sẽ là một phương thức tiềm năng cho ngành hàng sách”.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, hiệu quả lớn nhất của livestream là mang thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Thông qua những buổi livestream, khách hàng được gặp trực tiếp người sáng lập thương hiệu, tác giả hay những khách mời chuyên môn. Từ đó, giúp họ cảm thấy cuốn sách trở nên đáng tin và rất có giá trị hơn.

“Livestream giống như một hình thức có thể cho bạn đọc trải nghiệm sâu về sản phẩm bằng cách nghe thương hiệu giới thiệu, chia sẻ. Cũng có khi, bạn đọc có thể gửi thắc mắc trực tiếp tới thương hiệu về những vấn đề mà họ đang gặp phải hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về sản phẩm đó. Từ đó, giúp họ biết được đích xác sản phẩm đó có phù hợp với mình hay không. Tôi nghĩ, đây là hình thức rất tiềm năng đối với ngành sách”, chị Chiều Xuân chia sẻ.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trai-nghiem-livestream-mua-ban-sach-post746697.html