Trải nghiệm mới về di tích qua ứng dụng 'Di sản văn hóa Quảng Trị'
Với một chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android, du khách sẽ được trang bị đầy đủ những thông tin tiện ích để tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 qua ứng dụng 'Di sản văn hóa Quảng Trị'.
Sản phẩm công nghệ này ra đời từ đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị” của nhóm tác giả thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh phối hợp thực hiện.
Trong cuộc tổng tấn công năm 1972, Thành Cổ là địa danh được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm. Ngày nay, Thành Cổ Quảng Trị vẫn là địa chỉ có sức hút mãnh liệt đối với nhiều người. Tuy nhiên, hiện tại, Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị cũng như các cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ có những thông tin dưới dạng sách, tờ rơi, video hay website để giới thiệu, quảng bá. Thực tế, những thông tin này vẫn còn rời rạc và chưa hệ thống khiến nhiều người gặp trở ngại trong việc tìm kiếm thông tin liên quan.
Theo ông Phan Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và công nghệ-chủ nhiệm đề tài nghiên cứu-từ trước đến nay trên địa bàn Quảng Trị có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý di tích và quảng bá du lịch như: Xây dựng bản đồ du lịch tỉnh Quảng Trị (Quangtritourmap) bằng công nghệ GIS; xây dựng hệ thống thông tin các nguồn lực phát triển Quảng Trị; thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Trị...
Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ, các ứng dụng trước đây chỉ chạy trên CD hoặc webGIS server nên việc cài đặt đưa vào sử dụng gặp nhiều trở ngại, phạm vi phục vụ nhỏ, chỉ dừng lại ở nội dung học thuật của hệ thống thông tin, chưa có sản phẩm chuyển giao cụ thể cũng như ứng dụng trong thực tế. Khắc phục những hạn chế của các sản phẩm trước, nhóm nghiên cứu đã kết hợp các công nghệ hiện đại như: GIS (Geography Information System - hệ thống thông tin địa lý) cùng với các công cụ và công nghệ hỗ trợ như: GPS (Global Positioning System - hệ thống định vị), UAV (Unmanned Aerial Vehicle - công nghệ máy bay không người lái), 3D (ThreeDimensional - đồ họa máy tính 3 chiều) để xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị”.
Đây là giải pháp tích hợp sinh động dữ liệu lịch sử - văn hóa lên bản đồ địa lý tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu số. Từ đó, giúp người dùng khai thác hiệu quả và tiện lợi. Đặc biệt, khách du lịch có được những trải nghiệm mới về lịch sử thông qua tương tác với mô hình 3D. Ứng dụng này được hỗ trợ cài thông qua các file APK độc lập trên hệ điều hành Android (chiếm hơn 85% thị phần các thiết bị smartphone hiện nay) để phổ biến rộng rãi số lượng người sử dụng, giúp du khách có được những trải nghiệm mới về lịch sử, văn hóa. Ứng dụng còn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các di sản dưới dạng kỹ thuật số thông qua việc thu thập, xử lý, lưu trữ và truy cập mở vào cơ sở dữ liệu.
Trong quá trình di chuyển tới điểm cần tham quan, du khách có thể theo dõi thêm các thông tin giới thiệu về các điểm đến một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất để nắm bắt được các thông tin cần thiết. Đồng thời, ứng dụng sẽ gợi ý các điểm đến lân cận mà du khách có thể quan tâm hoặc thuận tiện cho du khách trong quá trình tham quan, khám phá. Ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị” như một “bản đồ số” hỗ trợ du khách chủ động lộ trình tham quan theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người (thời gian, sức khỏe…), giúp cá nhân hóa hành trình tham quan một cách tối ưu. Với hệ thống thông tin đa dạng, ứng dụng này đáp ứng nhu cầu tiếp cận mở phục vụ mục đích giáo dục và du lịch văn hóa.
Người sử dụng có thể ghé thăm các di sản văn hóa thuận lợi, dễ dàng từ cùng một nguồn duy nhất của hệ thống qua các hình ảnh thực tế, hình ảnh 3D, các video 3D, video UAV và tư liệu văn hóa, lịch sử. Không đơn thuần là sản phẩm hỗ trợ phục vụ du lịch, cơ sở dữ liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập được còn hỗ trợ các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa du lịch trong quản lý di tích. Đây cũng là công cụ sinh động hỗ trợ giáo dục truyền thống cho học sinh khi môn học giáo dục địa phương được áp dụng rộng rãi trong các trường học.
Chia sẻ về ý tưởng trong tương lai, ông Tuấn Anh mong muốn sẽ tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu bộ di sản văn hóa Quảng Trị bao gồm các điểm di tích văn hóa từ cấp quốc gia trở lên, đồng thời phát triển hệ thống bằng phiên bản tiếng Anh để phục vụ người dùng là khách du lịch quốc tế.