Trải nghiệm 'nhớ đời' của du khách Mỹ cuối cùng tới thăm Triều Tiên
Triều Tiên được ví như 'trái cấm' trong du lịch khi quốc gia đặc biệt này chỉ đón khoảng 6.000 lượt du khách phương Tây mỗi năm.
Norbert là một kiến trúc sư và blogger du lịchđến từ Puerto Rico (một phần lãnh thổ thuộc Mỹ). Anh bắt đầu hành trình khám phá toàn bộ 195 quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 2011 và Triều Tiên là một trong những điểm đến quan trọng của Norbert.
Nhưng ngoài mục tiêu đó, anh cho rằng bản thân còn muốn được tận mắt chứng kiến cuộc sống, nền văn hóa và con người ở một đất nước dường như có quá nhiều bí mật với phần còn lại của thế giới.
Norbert đã lên kế hoạch du lịch tới Triều Tiên trong suốt hơn một năm ròng. Nhưng khi Tổng thống lúc bấy giờ của Mỹ là Donald Trump ban hành lệnh cấm công dân tới Triều Tiên du lịch từ ngày 1 tháng 9 năm 2017 thì anh biết mình cần hành động ngay vì thời điểm đó đã là tháng 7.
Áp lực tăng lên từng ngày. Dù có một quốc tịch nữa của Dominica để đề phòng những tình huống ghé thăm các quốc gia mà hộ chiếu Mỹ không phải lý tưởng như thế này nhưng sau nhiều cân nhắc Norbert vẫn quyết định tới Triều Tiên với tư cách là một công dân Mỹ.
Lên kế hoạch cho hành trình tới Triều Tiên
Du khách chỉ có thể tới Triều Tiên thông qua các nhóm nhỏ hoặc du lịch tự túc. Koryo Tours, một trong những công ty có uy tín nhất cung cấp các tour du lịch tới Triều Tiên, thông báo rằng họ sẽ tổ chức chuyến đi cuối cùng cho các công dân Mỹ tới quốc gia Đông Bắc Á này.
Chuyến đi sẽ diễn ra từ ngày 26 tới ngày 29 tháng 8 năm 2017, chỉ một vài ngày ngắn ngủi trước lệnh cấm của Tổng thống Trump. Và đây cũng là chuyến du lịch tới Triều Tiên cuối cùng của người Mỹ.
Norbert chia sẻ rằng anh đã khá do dự khi quyết định tham gia chuyến đi này bởi bối cảnh căng thẳng chính trị lúc bấy giờ giữa hai nước. Nhưng nếu không đi thì anh không biết bao giờ bản thân mới có thể hoàn thành giấc mơ. Do đó, Norbert đã mua chiếc vé cuối cùng để bay từ New York tới Bắc Kinh (Trung Quốc).
Anh đã phải gửi lại nhiều thiết bị điện tử như máy tính xách tay, một vài ống kính máy ảnh hay ổ cứng ở nhà một người bạn ở New York. Triều Tiên có những quy định nghiêm ngặt về các loại thông tin và thiết bị công nghệ được mang vào quốc gia này khi nhập cảnh.
Danh sách những thứ bị cấm bởi kể tới là bất kỳ các loại sách báo, tạp chí, ấn phẩm (in hoặc kỹ thuật số) nào có nội dung về Triều Tiên. Ngoài ra còn có những văn bản hoặc vật phẩm tôn giáo, quốc kỳ Mỹ, Hàn Quốc...
Mặc dù, các thiết bị trên của Norbert đều tuân thủ đúng các nguyên tắc trên nhưng anh muốn đề phòng trường hợp tại cổng kiểm tra an ninh của Triều Tiên, họ tìm thấy gì đó không phù hợp vì rất có thể trong máy tính sẽ lưu những hình ảnh có cờ Mỹ mà Norbert từng chụp.
Cuối cùng, anh đã chỉ bay tới Bắc Kinh với một chiếc điện thoại và máy ảnh đơn giản. Tại đây, anh gặp những du khách khác cùng đoàn tại một cuộc họp trước chuyến đi để thông báo về những quy tắc mà mọi người cần biết.
Đoàn của Norbert gồm 7 người Mỹ, 2 người Anh và 2 du khách Pháp. Điều thú vị là cả 7 công dân Mỹ này đều đăng ký chuyến đi ngay sau lệnh cấm du lịch tới Triều Tiên được công bố. Thông thường, công dân Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% số lượng du khách trong các đoàn tới Triều Tiên, nhưng chuyến đi này là ngoại lệ.
Những trải nghiệm đáng nhớ ở Triều Tiên
<
Ngay trước khi khởi hành, tất cả mọi người trong đoàn đều cảm nhận được rằng đây sẽ là một chuyến đi độc đáo và thú vị. Bởi lẽ, đây là chuyến du lịch cuối cùng của những công dân Mỹ tới Triều Tiên nên rất nhiều các phương tiện truyền thông quốc tế đã có mặt để đưa tin.
Trong chuyến bay kéo dài hai giờ đồng hồ từ Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng, đoàn của Norbert không được phép chụp bất kỳ một tấm ảnh nào. Trong suốt hành trình thì nhập và xuất cảnh là hai điều khiến anh lo lắng nhất. Nhưng cuối cùng cả đoàn cũng được thông qua một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn tưởng tượng.
Dù đã lên lịch trình chi tiết cho những điểm đến nhưng Norbert chỉ được phép tham quan một số nơi ở thủ đô Bình Nhưỡng, Kaesong và khu vực DMZ. Tất cả mọi điểm đến đều được thực hiện chính xác tới từng phút.
Các hướng dẫn viên của Koryo cũng hướng dẫn 'mẹo' chụp hình phải biết cho các khách trong đoàn. Đó là khi chụp hình bức tượng của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, họ sẽ phải chụp toàn bộ mà không được phép cắt bất kỳ bộ phận nào. Nếu đó là bức tượng của hai nhà lãnh đạo thì sẽ phải chụp đầy đủ cũng như không được phép chụp sau lưng.
Norbert cho biết anh đã cực kỳ ngạc nhiên khi vào thời kỳ Internet len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống như hiện nay mà vẫn có thể bắt gặp hình ảnh hàng dài người đứng đọc báo trên các bốt công cộng được đặt dưới ga tàu điện ngầm ở Triều Tiên. Mọi thông tin ở đây đều được chính phủ kiểm soát chặt chẽ.
Đoàn của anh cũng được đưa đến một quán bar và khu chơi bowling, người dân Triều Tiên đa phần đều khá nhút nhát với các du khách nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ. Dù vậy, họ không có bất kỳ ác cảm gì kể cả khi bạn là công dân Mỹ.
Kết thúc chuyến hành trình, Norbert cho biết anh không hề hối hận về quyết định của mình. Tới Triều Tiên là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của anh. Trái với những gì thế giới nghĩ về một Triều Tiên nghèo nàn và kiệt quệ, thủ đô Bình Nhưỡng đã và đang là một thành phố được qui hoạch hiện đại và văn minh ngoài sức tưởng tượng.
Đỗ An (Theo Globotreks)